Thứ Sáu, 13/03/2015 06:31

Xác định trọng tâm, trọng điểm trong hỗ trợ doanh nghiệp

Xác định Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vai trò quan trọng, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; từ năm 2009, Chính phủ đã ban hành nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30-6-2009 về trợ giúp phát triển DNNVV, đồng thời quy định chi tiết Kế hoạch chương trình trợ giúp đối với khối doanh nghiệp này.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc; đóng góp 40% GDP; tạo thêm 3,5 đến 4 triệu việc làm mới. Trong ảnh: Sản xuất gạch ốp lát tại Công ty cổ phần COSEVCO, TP Đồng Hới (Quảng Bình).

Sau sáu năm triển khai, các hoạt động trợ giúp, nhất là trợ giúp pháp lý đã góp phần tích cực, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai cho thấy, cần có sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như bản thân DNNVV cần có sự đột phá.

Hỗ trợ chưa tương xứng với hiệu quả

Hiện nay, DNNVV chiếm hơn 97% lượng đăng ký thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp, là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế. Loại hình doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói, giảm nghèo... Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc; đầu tư của khu vực này chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp 40% GDP; 30% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN); tạo thêm 3,5 đến 4 triệu việc làm mới trong giai đoạn 2011 -2015... Số tiền thuế và phí mà các DNNVV đã nộp cho Nhà nước tăng 18,4 lần sau 10 năm.

Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động hỗ trợ nhà nước cho DNNVV còn nhiều hạn chế, rào cản, nhất là việc vay vốn sản xuất, kinh doanh. Theo thống kê, có 55% số DNNVV gặp trở ngại về thủ tục vay vốn, hồ sơ vay và việc xác định tài sản thế chấp phức tạp, rườm rà, lãi suất chưa phù hợp. Hiện nay, chỉ có 30% số DNNVV tiếp cận được vốn từ ngân hàng, 70% số doanh nghiệp còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác với mức lãi suất cao từ 15 đến 18%/ năm. Báo cáo của Ngân hàng Phát triển (NHPT) cho biết, giai đoạn 2006-2011, chỉ có 437 dự án của hơn 300 DNNVV làm chủ đầu tư vay vốn tín dụng đầu tư tại NHPT, trung bình 72 dự án/năm được tiếp cận vốn vay tín dụng đầu tư với số vốn vay khoảng 43 tỷ đồng/dự án.

Sở dĩ khó tiếp cận được chương trình do không có chính sách ưu tiên cho DNNVV. Theo quy định tại Nghị định 75/2011/NĐ-CP, các dự án được hưởng ưu đãi chủ yếu giới hạn thuộc nhóm A, B có quy mô vốn đầu tư lớn, trong khi đó dự án của các DNNVV thường có quy mô nhỏ nên khó có đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước chỉ hỗ trợ cho vay bằng đồng Việt Nam, trong khi mục tiêu của các DNNVV hướng ra thị trường thế giới nên thường gặp nhiều rủi ro về tỷ giá, hạn chế khả năng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng với những khó khăn về cơ chế chính sách, bản thân các DNNVV chưa nâng cao tính chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, một bộ phận DNNVV còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, xuất hiện tình trạng chây ỳ, cố tình chiếm dụng vốn của nhà nước dẫn đến nợ quá hạn, hạn chế khả năng quay vòng vốn.

Tại các cuộc đối thoại với Chính phủ và các cơ quan chức năng, nhiều hạn chế bất cập trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan trợ giúp pháp lý cho DNNVV cũng được nhiều doanh nghiệp đề cập.

Mặc dù Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 giao thêm nhiều nhiệm vụ công tác mới cho các tổ chức pháp chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhưng thực tế rất ít doanh nghiệp được trợ giúp, đặc biệt là những quy định pháp lý liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, các hoạt động kinh doanh với đối tác nước ngoài.

Cần có chính sách đồng bộ, hiệu quả

Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng với xu thế "mở cửa" thị trường, cùng với những thuận lợi mang lại, các DNNVV cũng gặp phải nhiều thách thức, khó khăn trong cạnh tranh ngay tại "sân nhà". Do vậy, đã đến lúc cần nghiên cứu, xây dựng luật dành riêng cho DNNVV, trong đó quy định cụ thể các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận vốn, trợ giúp pháp lý, tránh tình trạng có quá nhiều quy định điều chỉnh hoạt động này, nhưng thiếu trọng tâm, trọng điểm như thời gian qua. Thực tế, nhiều nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới đã ban hành và thực thi Luật DNNVV từ hàng chục năm qua và mang lại kết quả rõ rệt. Trong đó, xác định rõ cấu trúc DNNVV, mục tiêu và phương hướng phát triển trọng điểm của loại hình doanh nghiệp này để có những hỗ trợ hiệu quả từ công nghệ, vốn, hỗ trợ pháp lý... thúc đẩy DNNVV khởi sự và tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ cơ cấu phát triển thích hợp và tiên tiến. Cung cấp những vấn đề cơ bản đi đôi với việc định hướng cho DNNVV để cải tiến và đề ra các biện pháp thúc đẩy phát triển trên cơ sở hỗ trợ các DNNVV này phát triển độc lập, sáng tạo; giúp nền kinh tế quốc dân phát triển cân bằng qua việc tăng cường năng lực cạnh tranh và mở rộng kinh doanh cơ bản cho DNNVV.

Thực tế yêu cầu việc xây dựng luật dành cho DNNVV không phải là mục tiêu mà là bước đi đầu, cần phân biệt rõ là DNNVV khác khu vực tư nhân. Bởi hỗ trợ DNNVV cũng là thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân, nhưng các chính sách thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân, có thể vẫn chưa đủ để thúc đẩy phát triển DNNVV nếu không có chính sách riêng biệt. Hiện nay, nước ta đã có một số chương trình hỗ trợ xúc tiến DNNVV do các bộ, ngành chủ trì nhưng chưa có định hướng tập trung cho DNNVV và dưới sự điều phối của một cơ quan đầu mối nên hầu như các DNNVV không được hưởng lợi từ các chương trình đó. Đồng thời, quỹ hỗ trợ được giao nhiều quyền hạn trong việc huy động vốn, phạm vi sử dụng vốn cũng rộng, có thể gây ra rủi ro lớn đối với DNNVV.

Bùi Bảo Tuấn

nhân dân

Các tin tức khác

>   Vẫn khai ngành, nghề kinh doanh (13/03/2015)

>   Kinh tế thị trường, nhìn từ việc VPCP “thuê” dịch vụ (12/03/2015)

>   450 triệu USD cải thiện điều kiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh (12/03/2015)

>   Giá điện sinh hoạt cao nhất lên tới 2.587 đồng/kWh (12/03/2015)

>   Lamido chuẩn bị sáp nhập vào Lazada (12/03/2015)

>   Việt Nam nhập siêu hơn 5 tỷ USD từ Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm (12/03/2015)

>   Tham vấn cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh tại Việt Nam (12/03/2015)

>   Điện, xăng tăng giá: Giá cả nhảy nhót? (12/03/2015)

>   50% người tiêu dùng mua sắm trực tuyến (12/03/2015)

>   Đưa trên 17.000 lao động đi nước ngoài (12/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật