Kinh tế thị trường, nhìn từ việc VPCP “thuê” dịch vụ
Quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về kinh tế thị trường trên thực tế đã được cụ thể hóa thành những quyết sách, trở thành lời giải cho nhiều bài toán mà cuộc sống vốn “thiên hình vạn trạng” đặt ra. Tại buổi tập huấn vừa được Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 11/3, một trong những nội dung được đề cập là việc triển khai thực hiện Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước, được Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối năm 2014.
Trên thực tế, trước khi có Quyết định nói trên của Thủ tướng, cơ chế này đã được triển khai tại Văn phòng Chính phủ theo chỉ đạo của Thủ tướng. Như Thủ tướng nói tại hội nghị triển khai công tác năm 2015 của Văn phòng Chính phủ: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, Văn phòng Chính phủ phải làm trước. Văn phòng Chính phủ làm trước thì các bộ, ngành, địa phương cũng phải làm thôi”.
Thế nhưng ngoài khía cạnh công nghệ thông tin, Quyết định của Thủ tướng còn thể hiện một tầm bao quát hơn rất nhiều.
Sức mạnh, tiềm năng của công nghệ thông tin là điều không cần phải bàn cãi, nhưng từ trước tới nay, quan điểm phổ biến trong các cơ quan Nhà nước là thành lập các cơ quan chuyên môn về lĩnh vực này theo hướng tự làm, tự phát triển, “của nhà trồng được”. Cách làm này cho đến nay đã cho thấy là khiến Nhà nước phải chịu áp lực lớn về kinh phí và nguồn nhân lực, trong khi các sản phẩm công nghệ thông tin cũng chưa chắc sử dụng được, chưa nói đến việc đạt hiệu quả tối ưu.
Trong bối cảnh đó, theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, Quyết định của Thủ tướng đã đưa ra một lựa chọn mới cho phát triển ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước, giúp các cơ quan này có thể sử dụng các sản phẩm, dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng. Chưa hết, chủ trương này còn giúp tạo thị trường mới cho các tổ chức, doanh nghiệp CNTT.
Trang web của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, một đối tác chủ chốt của Văn phòng Chính phủ trong việc thuê dịch vụ CNTT, cũng dẫn lời ông Phùng Văn Ổn, Giám đốc Trung tâm Tin học (Văn phòng Chính phủ) cho biết làm theo cách này, Nhà nước sẽ không chịu áp lực về đầu tư kinh phí ban đầu và quan trọng hơn là tránh rủi ro. “Bởi không phải phần mềm nào ứng dụng cũng thành công, chỉ có 30-40% phần mềm đã đầu tư là sử dụng được", vị Giám đốc cho hay.
Nhìn rộng hơn, đây là một ví dụ cho thấy nhận thức mới về vai trò của Nhà nước, của thị trường và của xã hội, thể hiện qua hàng loạt những quyết sách trong thời gian gần đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã được cụ thể hóa như thế nào trước từng vấn đề mà thực tiễn đặt ra.
Trong Thông điệp đầu năm mới 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực mà còn tạo điều kiện cho xã hội thực hiện những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn. Còn Nhà nước thì không làm thay dân mà phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển, chỉ như vậy mới có thể xây dựng được một bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ gần đây nhất, Thủ tướng cũng một lần nữa nhắc nhở rằng “tất cả phải đi vào kinh thế thị trường và đã là thị trường thì phải thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường”.
Điều đó có nghĩa là, cần định vị lại chức năng của Nhà nước, của thị trường, thay vì phân tán nguồn lực vốn có hạn cho quá nhiều mục tiêu để rồi mục tiêu nào cũng dở dang, Nhà nước chỉ nên tập trung làm cho tốt những gì mà thị trường và xã hội không thể làm được. Ngược lại, “phần” mà Nhà nước để lại ấy sẽ trở thành cơ hội cho thị trường, mà cụ thể hơn là doanh nghiệp và người dân, phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội.
Nếu như ngay cả ngành công nghệ thông tin mà cũng không thể phát huy được tiềm năng vốn lớn lao đến thế, thì rõ ràng nếu vẫn giữ tư duy cũ, cách làm cũ, Việt Nam khó có thể tăng tốc phát triển. Tiềm năng của công nghệ thông tin sẽ không thể được phát huy, những cơ hội phát triển rộng mở sẽ không được tận dụng hiệu quả, nếu chúng ta không có một cách tiếp cận mới hơn, phù hợp hơn. Thay vì ôm đồm làm tất cả, chẳng hạn, loay hoay nghiên cứu từng sản phẩm CNTT, Nhà nước hãy trở thành “người tiêu dùng” chuyên “đặt hàng” các doanh nghiệp và tập trung làm tốt vai trò người kiến tạo phát triển, như viễn kiến trong Thông điệp của Thủ tướng.
Hà Chính
chính phủ
|