Điện, xăng tăng giá: Giá cả nhảy nhót?
Trước thông tin giá điện tăng 7,6% và giá xăng cũng tăng 1.610 đồng/lít. Như vậy trong cùng thời điểm, hai mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất, kinh doanh đều tăng. Điều này sẽ có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế và đời sống của người dân.
* Giá xăng tăng mạnh, thêm 1.600 đồng/lít từ 15h
Giá xăng dầu trong nước đã chính thức tăng giá sau một thời gian dài giảm giá kéo dài.
|
Ngày 11/3 giá xăng dầu trong nước đã chính thức tăng giá sau một thời gian dài giảm giá kéo dài. Đưa giá xăng từ mức 15.670 đồng/lít lên mức 17.280 đồng/lít. Trước đó thì giá điện cũng được thông báo sẽ tăng lên 7,6% so với trước kia và sẽ được áp dụng vào ngày 16/3 tới.
Lo ngại trước hiệu ứng tăng giá dây chuyền khi xăng, điện cùng lúc tăng giá, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, tăng giá do tâm lý rất dễ xảy ra. “Mức tăng giá điện, xăng lần này đều rất lớn, chắc chắn sẽ không tránh khỏi hiệu ứng tăng giá dây chuyền, tăng giá tâm lý. Trước đây, mỗi đợt giá xăng tăng, lập tức các hàng hóa dịch vụ đều lấy làm căn cứ để tăng giá, tình trạng này không dễ đối phó”. Ông Phú cũng cho biết thêm, đối với các doanh nghiệp hai tháng qua, sức mua của thị trường rất thấp, nên khi gas, xăng, dầu, điện - những thứ khó có thể tiết giảm và thay thế, đồng loạt tăng giá, người dân chỉ còn cách tiết kiệm chi tiêu. Điều đó khiến tồn kho của doanh nghiệp càng lớn, doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng việc tăng giá điện, xăng dầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN) do làm tăng chi phí đầu vào. Theo ông Lộc, các DN tiêu thụ điện, xăng dầu lớn như ngành thép, xi măng, chế biến thực phẩm, vận chuyển… thì việc tăng giá điện sẽ gây thiệt hại lớn. DN vừa mới ổn định lại sản xuất nhờ giá xăng dầu giảm, vốn vay thì bắt đầu quay trở lại khó khăn khi mà giá điện và giá xăng cùng tăng.
Theo đánh giá của TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương thì giá xăng tăng do giá dầu thế giới tăng, nên phải chấp nhận. Tuy nhiên, với giá điện hiện đang là độc quyền. Đến nay, giá thành điện chưa được giải trình, các yêu cầu của Thủ tướng với ngành điện về tăng năng suất lao động thế nào, giảm biên chế thế thừa, giảm hao hụt truyền tải ra sao… cần làm rõ thêm. Ông cùng bày tỏ lo ngại việc tăng giá xăng dầu, điện, phí môi trường xăng dầu sẽ khiến giá các hàng hóa, dịch vụ, đều lấy làm căn cứ để tăng giá, tình trạng này không dễ đối phó. Tất cả cùng tăng giá điều này ảnh hưởng không nhỏ tới người tiêu dùng.
Điện và xăng cùng lúc tăng giá, dẫn đến nhiều mặt hàng cũng được đà tăng giá theo. (Ảnh Dân trí)
|
Nhiều chuyên gia cũng có chung nhận định rằng việc giá điện, xăng, dầu tăng mạnh và cùng lúc sẽ tác động rất mạnh tới giá cả và hoạt động của các doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên, do đó cần có chế tài kiểm soát, theo dõi các cá nhân, tổ chức đẩy giá thị trường tăng cao. Thông thường nếu giá xăng tăng 10% thì DN vận tải sẽ điều chỉnh giá cước khoảng 2%-5%. Về vấn đề này, ông Tô Văn Tuynh, Giám đốc khu vực Đông Nam Bộ Tập đoàn Mai Linh, “hãng cũng chưa chắc tăng giá cước theo giá xăng dầu vì sự tăng, giảm giá xăng dầu cũng thất thường, nếu DN cứ điều chỉnh tăng, giảm theo ngay cũng không được vì tốn rất nhiều chi phí”.
Khi điều chỉnh tăng giá xăng dầu và điện là muốn giúp cho các DN phát triển, tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tính toán lại các phương án điều hành, làm cùng một lúc được hai việc là hỗ trợ DN và tiếp tục cải cách theo hướng kinh tế thị trường. Và phải có biện pháp trợ giúp các DN khó khăn, giúp cho chi phí kinh doanh của DN sẽ giảm đi để có thể bù đắp lại các chi phí mà giá điện tăng lên.
Tuyết Hạnh (tổng hợp)
xây dựng
|