Việt Nam sẽ có lợi, nếu tận dụng cơ hội này
Dự báo, trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN Nhật sẽ đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, theo đó, hoàn toàn có khả năng Việt Nam sẽ đón nhận một làn sóng mới từ các nhà đầu tư Nhật Bản.
Trong thời gian qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có nhiều quyết sách mới từ quốc phòng tới kinh tế. Abenomics, một chính sách kinh tế táo bạo của ông Abe đưa ra gần hai năm trước nhằm tái thiết nền kinh tế Nhật Bản, đang được đánh giá là sẽ tạo ra cuộc chiến giữa "các cỗ máy in tiền" trên thế giới. Xin giới thiệu chính sách kinh tế này của ông Abe và những tác động tới Việt Nam.
Thu nhập giảm
Dù đã lấy lại đà tăng trưởng, nhưng chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe vẫn đang tiếp tục được thử thách.
Abenomics bao gồm 3 trụ cột chính là: chính sách nới lỏng tiền tệ; chính sách thúc đẩy chi tiêu công; chính sách tăng trưởng kinh tế sâu rộng.
Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản bắt đầu từ quý 2/2014, Tổng sản phẩm kinh tế quốc nội (GDP) của Nhật giảm 7,3%. Tiếp đó, GDP thực tế giảm thêm 1,6% trong quý 3. Theo định nghĩa của các chuyên gia, một nền kinh tế suy giảm 2 quý liên tiếp tức là rơi vào suy thoái.
Một tác dụng ngược khác của Abenomics là những hệ lụy của chính sách đồng Yên rẻ. Theo kết quả điều tra của Cơ quan Nghiên cứu tín dụng Tokyo Shoko Research tiến hành hồi cuối năm ngoái, 48,4% các công ty Nhật Bản cho biết bị ảnh hưởng xấu bởi hệ quả của sự giảm giá nhanh của đồng Yên. 22,7% cho biết chịu cả những tác động tích cực lẫn tiêu cực. Những tác động tiêu cực đặc biệt được dẫn ra là việc tăng giá cả hàng nhập khẩu.
Trong số những DN bị tác động bởi đồng Yên sụt giá, 80,8% cho biết họ đã không thể điều chỉnh nổi giá nhập khẩu thông qua giá sản phẩm. Khi được hỏi về các biện pháp cần tiến hành để đối phó với việc đồng Yên mất giá, 73,2% tỏ ra bi quan, mất phương hướng khi cho biết họ không có biện pháp nào khả thi.
Ảnh: Tropicalisland
|
Một hệ lụy khác nữa là thâm hụt thương mại. Điều đáng chú ý là thâm hụt thương mại của Nhật Bản đã kéo dài 29 tháng liên tiếp trong khi Nhật Bản là nước có nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu.
Các chuyên gia kinh tế còn chỉ ra chính sách của ông Abe cũng chưa thành công trong mục tiêu tăng thêm thu nhập cho dân chúng. Thu nhập bình quân của hộ gia đình đã giảm trong tháng 9, đánh dấu mức suy giảm tháng thứ 14 liên tiếp.
Những tin tức xấu liên tiếp về nền kinh tế của Nhật Bản đã làm xuất hiện nhiều ý kiến hoài nghi đối với Abenomics, đặc biệt, ông Jeff Kingston, Giáo sư chính trị tại Đại học Temple ở Tokyo nói thẳng thừng: “Abenomics là một sự thất bại".
Mờ mịt 2015
Trong bối cảnh ảm đạm của năm 2014, những nhận định về triển vọng năm 2015 của nền kinh tế thứ ba thế giới cũng không thể tươi tắn hơn.
Theo kết quả điều tra về năm 2015 do Cơ quan thống kê số liệu doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản Teikoku Data Bank tiến hành hồi đầu năm nay, số DN tỏ ra lạc quan với triển vọng của năm mới giảm mạnh trong khi mối lo ngại và sự cảnh giác với chính sách đồng Yên rẻ lại tăng cao bất thường.
Cụ thể là, chỉ có 13,4% số DN được hỏi cho rằng kinh tế năm 2015 sẽ phục hồi, giảm gần một nửa so với tỷ lệ của cuộc điều tra năm 2013. Bên cạnh đó, tỷ lệ bi quan tăng từ 16,5% của năm trước lên 26,8%. Nguyên nhân của mối lo ngại vẫn là … đồng Yên mất giá trong khi việc hạ giá đồng Yên lại là một trong “ba mũi tên” của Abenomics. Theo giới phân tích, Chinh phủ Nhật Bản đã quá đà trong việc việc nới lỏng chính sách tiền tệ khiến tỷ giá của đồng Yên đã giảm quá nhiều so với dự báo cũng như mong muốn.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh Nhật Bản rơi vào suy thoái kinh tế, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)…đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này. OECD cho biết nền kinh tế lớn thứ ba thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 0,8 % trong năm tài chính 2015, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 1,1% công bố trước đó. IMF cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản vào năm 2015 xuống 0,8 % thấp hơn so với dự kiến ban đầu là 1,0%.
Việt Nam sẽ có lợi, nếu biết tận dụng?
Theo các chuyên gia kinh tế, đồng Yên suy yếu sẽ gây ra hai bất lợi chính đến các nước mới nổi trong khu vực. Thứ nhất là nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản giảm, thứ hai là hàng xuất khẩu của Nhật Bản có lợi thế cạnh tranh tốt hơn nhờ giá rẻ. Những nước bị thiệt hại nặng nhất sẽ là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines.
Tuy nhiên, với Việt Nam, ảnh hưởng này có thể ít hơn rất nhiều, thậm chí còn có lợi nếu ta biết tận dụng. Năm 2013, đồng Yên mất giá 17% so với USD, nhưng Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản gần 2 tỷ USD với kim ngạch xuất khẩu là 13,65 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu 11,61 tỷ USD. Còn trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt trên 14,70 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2013.
Mặt khác, nhiều DN Việt Nam sử dụng vốn vay bằng đồng Yên cũng đang được hưởng lợi đáng kể từ việc tăng giá của VND so với ngoại tệ này. Không chỉ đối với DN vay nợ đồng yên, mà những DN nhập khẩu nguyên liệu từ Nhật Bản hoặc các công ty thương mại làm ăn với các đối tác Nhật Bản cũng được hưởng lợi, đặc biệt là trong những năm gần đây.
Để giảm sự lệ thuộc vào đồng Đô la Mỹ cũng như những rủi ro từ tỷ giá bấp bênh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản có quan hệ làm ăn với nhau thường dùng đồng Yên để thanh toán. Theo đó, chính sánh đồng Yên rẻ đã mang lại lợi nhuận đáng kể.
Ngoài ra, DN Nhật Bản đang làm ăn tại Việt Nam cũng được hưởng lợi do tránh được ảnh hưởng trực tiếp từ Abenomics.
Theo khảo sát mới công bố của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), hiện nay, 60% DN Nhật Bản tại Việt Nam đang kinh doanh có lãi, 70% trong số này đang có kế hoạch mở rộng quy mô. Ngoài việc các DN này đóng góp đáng kể vào nền kinh tế Việt Nam, dự báo, trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN Nhật sẽ đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, theo đó, hoàn toàn có khả năng Việt Nam sẽ đón nhận một làn sóng mới từ các nhà đầu tư Nhật Bản.
Còn một điểm lợi nữa không thể không nhắc tới khi Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam. Đó là việc: nếu Việt Nam phải thanh toán những khoản nợ đáo hạn trong giai đoạn này, với tỷ giá đồng Yên hiện nay, Việt Nam sẽ tiết kiệm được một khoản đáng kể cho ngân sánh quốc gia.
Về phía Nhật Bản, đến nay, Thủ tướng Abe cần phải cân bằng giữa nhu cầu cấp bách trong nước và bên ngoài, khéo léo thực hiện chính sách kinh tế đối ngoại kết hợp với những cải cách mạnh tay trong nước, tận dụng triệt để những lợi ích từ việc giá nhiên liệu giảm mạnh... Đây được coi là yếu tố sống còn đối với Abenomics trong bối cảnh hiện nay.
Tuấn Nhật
vietnamnet
|