Thứ Năm, 26/03/2015 14:35

Lợi nhuận dẫn dắt doanh nghiệp về quê

Mỗi độ 30, mồng một Tết, người dân TPHCM, Hà Nội có cảm giác đường phố trống vắng như cách đây mấy chục năm, vì người nhập cư, phần lớn từ nông thôn, đến làm ăn sinh sống, đã về quê ăn Tết. Thế mà bỗng dưng thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam hăm hở về quê để... làm ăn. Có bất ngờ không?

Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu vẫn do hộ nông dân cá thể đảm nhiệm với diện tích manh mún, cơ sở vật chất lạc hậu nên hiệu quả sản xuất thấp. Ảnh: TLTBKTSG.

Cái trời phú cho nông nghiệp Việt Nam là thế mạnh cạnh tranh cốt lõi, nói theo kinh tế thị trường. Còn nói theo Marx, đó chính là lực lượng sản xuất. Cái thế mạnh cốt lõi đó, hay lực lượng sản xuất đó, vốn có từ ngàn đời nay, bị ràng buộc bởi “quan hệ sản xuất”. Khoán 10 hay chỉ thị 100 trước đây là một bước cởi trói mối quan hệ sản xuất lạc hậu, quay về với quy luật khách quan (nói cho đúng là sửa cái sai mà do chính ta gây ra), đã giúp cho nông dân Việt Nam ăn no, mặc ấm.

Thế nhưng, cho đến nay, sản xuất nông nghiệp của ta chủ yếu vẫn do hộ nông dân cá thể đảm nhiệm với diện tích manh mún, cơ sở vật chất và kỹ thuật còn lạc hậu nên hiệu quả sản xuất thấp. Đó chính là dư địa để cho các doanh nghiệp, kể cả tư nhân và nhà nước, với thế mạnh chủ yếu là nguồn vốn, bước vào đầu tư để tổ chức sản xuất lớn và ứng dụng công nghệ cao, khai thác tối đa tiềm năng nhằm đạt mục đích kinh doanh là thu lợi nhuận cao. Một chính sách phát triển nông nghiệp thông minh sẽ tự nó tạo ra vốn.

Quy luật thị trường đã điều tiết dòng vốn hiện nay vào nông nghiệp cùng với chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nên sức hút của lĩnh vực này được gia tăng hơn trước.

Có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp chỉ đầu tư vào nông nghiệp sau khi hàng loạt doanh nghiệp bị thua lỗ do đầu tư ngoài ngành, rủi ro lớn, bị buộc thoái vốn và do nông nghiệp đang là lĩnh vực được ưu tiên, có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư...

Ngẫm suy, lý giải nói trên có thể chỉ đúng với doanh nghiệp nhà nước vì các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh nông nghiệp hiện nay dùng tiền của chính mình và có quyền kinh doanh trong bất cứ lĩnh vực nào mà luật pháp không cấm. Chính sách ưu tiên, ưu đãi chỉ là chất xúc tác.

Thực ra, doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp vì hiện tại một số lĩnh vực nông nghiệp có thể mang lại thu nhập. Các chuyên gia kinh tế quốc tế từng nói Việt Nam chỉ có hai thế mạnh là công nghệ thông tin và nông nghiêp. Với nông nghiệp, trồng, nuôi cây, con gì thì rồi cũng đưa lên bàn ăn, sản xuất sạch, chế biến tinh thì nông nghiệp Việt Nam sẽ có chỗ đứng.

Doanh nghiệp tư nhân nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp là tín hiệu đáng mừng nhưng đừng để niềm vui ngắn chẳng tày gang vì đất của nông dân hiện nay rất manh mún (nhất là ở miền Bắc và miền Trung), sẽ là tốt hơn nếu không trưng thu cái “tài sản toàn dân” này để giao cho doanh nghiệp, mà nên thử mô hình cho nông dân góp vốn bằng đất vào doanh nghiệp nông nghiệp và đồng thời làm công nhân cho doanh nghiệp. Tất nhiên, một số người trẻ có thể chuyển nghề sang công nghiệp, dịch vụ có đào tạo bài bản.

Mọi việc phải bắt đầu từ nhận thức, khát vọng, thực tiễn, sự có tâm, có tầm của người lập chính sách và nhu cầu bức thiết của xã hội. Hiện tượng ồ ạt trồng cây mắc ca như hiện nay là điều đáng lo ngại. Ta vừa thiếu chuyên gia chuyên sâu, vừa thiếu kinh nghiệm, không nắm được thị trường, lại làm ăn theo kiểu phong trào, không có quy hoạch nên rủi ro sẽ rất lớn. Bài học trồng cây ngoài vùng truyền thống như cao su, cà phê ở phía Bắc, điều ở Nam Trung Bộ... hãy còn đó mà chúng ta chưa rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.

Nhà nước, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần xây dựng chiến lược sản phẩm quốc gia và quy hoạch phát triển theo vùng sinh thái và quản lý theo chuỗi ngành hàng. Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy hoạch, hạn chế quyền lực các tỉnh trong việc cấp phép đầu tư trên đất nông nghiệp.

Áp dụng nền nông nghiệp công nghệ cao toàn bộ hệ thống (công nghiệp sản xuất và công nghệ quản lý) hoàn toàn khác với xây khu nông nghiệp công nghệ cao để làm triển lãm. Hãy hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào toàn bộ chuỗi sản xuất, thay vì chỉ bỏ tiền vào công đoạn thu lời nhanh, ít rủi ro như phổ biến hiện nay.

Tô Văn Trường

tbktsg

Các tin tức khác

>   Vì sao nhiều chủ đầu tư quay lưng với dự án thủy điện ở Hà Giang? (26/03/2015)

>   Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN có tân chủ tịch (26/03/2015)

>   Ninh Thuận đẩy mạnh kêu gọi vốn đầu tư (26/03/2015)

>   Bộ Tài chính "lắc đầu" với một loạt ưu đãi thuế khu kinh tế Chu Lai (26/03/2015)

>   EVN sắp mất thế độc quyền mua bán điện (26/03/2015)

>   Mua tàu triệu đô, bán giá sắt vụn: Hết mơ biển lớn (26/03/2015)

>   Doanh nghiệp nội địa ít hưởng phần từ phục hồi kinh tế (25/03/2015)

>   Không vì 5-10% doanh nghiệp vi phạm mà siết tất cả lại (25/03/2015)

>   Thủ tướng quyết định lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh (25/03/2015)

>   Thị trường đồ chơi trẻ em: Cơ hội cho doanh nghiệp nội (25/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật