Thứ Năm, 26/03/2015 14:46

Hình thức PPP có quyến rũ được giới đầu tư tư nhân?

Nghị định số 15 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP được Chính phủ ban hành tháng hai vừa rồi. Đây là khuôn khổ pháp lý thu hút sự chú ý của công luận và các nhà đầu tư. Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có lời giải thích với báo chí tại hội nghị giới thiệu Nghị định hôm 25-3 tại Hà Nội. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ghi lại một số trao đổi xoay quanh vấn đề này .

 

Ông Lê Văn Tăng. Ảnh TL

Ông Tăng nói: Chỉ dự án thuộc trách nhiệm Nhà nước phải làm, như đường, điện, sân bay, đường sắt, xử lý rác,… thì mới theo hình thức PPP.

- Hỏi: Nghị định này giúp đảm bảo rủi ro pháp lý thế nào cho nhà đầu tư tư nhân?

- Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân ký hợp đồng và phải hoàn toàn tuân thủ, không phải chính sách thay đổi là anh thay đổi hợp đồng. Với hợp đồng PPP, nhà đầu tư họ sẽ soi rất kỹ.

Như với dự án Dầu Giây – Phan Thiết, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hội thảo kéo dài một ngày để giải quyết các thắc mắc của nhà đầu tư. Nhà đầu tư nêu vấn đề họ làm đường và thu phí trong 30 năm, trong thời gian này quy định chỉ cho xe có tải trọng tối đa là 30 tấn chạy, nếu có xe hơn 30 tấn vào đây thì Bộ phải làm lại đường cho tôi, vì Bộ quản việc này. Nếu không, thì tôi sẽ gác và sẽ xử phạt. Khi tôi gác sẽ xử phạt, và hỏng thì tôi sửa. Còn nếu anh gác, mà đường hỏng, thì anh phải sửa.

Họ yêu cầu trong 30 năm Nhà nước không được làm đường song song cách 30-50 km. Tôi trả lời không, nhưng cũng còn phụ thuộc vào việc đảm bảo an ninh quốc phòng. Họ yêu cầu, vậy thì phải ghi vào hợp đồng, là nếu nhà nước làm đường như vậy, làm giảm lưu lượng xe của họ, thì nhà nước phải bù vào phần giảm đó. Nhà đầu tư họ làm thì họ phải tính toán. Lãng phí thì gần như không có, vì họ tính lắm. Như Nhà nước làm đường, tính là 1.000 xe/giờ nhưng mới chỉ 800 xe/giờ vẫn khen là đông thế. Với nhà đầu tư tư nhân, nếu chỉ 950 xe/giờ là hỏng, vì không đảm bảo thu hồi vốn. Họ bỏ tiền đầu tư nên họ phải tính kỹ, chứ không như đầu tư công.

- Ông giải thích như thế nào về phần góp vốn của nhà nước trong các dự án PPP?

- Nghị định lần này có phần vốn góp của Nhà nước. Đây là khoản tài chính thiếu hụt mà khi Nhà nước đầu tư vào thì biến dự án không khả thi về mặt tài chính thành dự án khả thi về mặt tài chính. Như dự án Dầu Giây – Phan Thiết, cơ quan làm dự án tính là nhà đầu tư bỏ ra 800 triệu đô la Mỹ. Với mức phí hiện hành thì phải 50-55 năm sau họ mới thu hồi được vốn bỏ ra cộng lợi nhuận. Nhà đầu tư và ngân hàng thấy là không khả thi về tài chính, thời gian quá lâu và nhiều rủi ro. Vì thế, Chính phủ phải bỏ vào phần đóng góp của nhà nước, để hỗ trợ dự án đó, ví dụ là 200 triệu đô la Mỹ, nhà đầu tư vẫn được thu phí như phương án ban đầu, và họ chỉ mất 30 năm sau là thu hồi vốn và có lợi nhuận, lúc đó dự án lại khả thi và ngân hàng cho vay. Các dự án điện, nước cũng vậy.

- Ông kỳ vọng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tham gia vào hình thức này như thế nào?

- Nghị định quy định rất rõ về quyền tiếp cận dự án mà trước đây không quy định rõ ràng.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giao nhóm soạn thảo nhiệm vụ rõ ràng, là phải đứng cả ở góc độ nhà đầu tư, và nhà quản lý; nếu đứng ở góc độ nhà quản lý mà soạn thì không nhà đầu tư nào vào. Vì thế, phải biết nhà đầu tư quan tâm gì, cần gì, đảm bảo ra sao. Vì thế, trong lần soạn thảo văn bản, chúng tôi phải ra nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm.

Chúng tôi có sự chuẩn bị rất chu đáo, tham vấn tất cả tổ chức quốc tế lớn, như WB, ADB, JICA, Pháp, Anh… Bộ trưởng đi nước ngoài, chỗ nào cũng tham vấn ý kiến nhà đầu tư về dự thảo PPP. Cách đây một năm, ông Tony Blair cũng tham vấn, và dự thảo đã đạt yêu cầu cần thiết nên Thủ tướng ban hành.

Về luật áp dụng khi có tranh chấp, thì Bộ luật dân sự quy định cứng là nếu tranh chấp ở Việt Nam thì phải tranh tụng theo luật pháp Việt Nam. Nhưng luật Việt Nam chưa đạt, nên nếu (nhà đầu tư) có kiện thì thua là chắc, như vậy sẽ không có ai đầu tư. Vì thế, nên có hướng là lựa chọn áp dụng luật nước ngoài phù hợp. Ngoài ra, dự thảo Bộ luật dân sự đang lấy ý kiến cũng đang sửa vấn đề này. Tôi tin là Nghị định sẽ làm các nhà đầu tư quan tâm, tin tưởng.

Gần đây, tôi đi Califonia để trình bày với giới đầu tư, họ cũng rất hoan nghênh tư tưởng này. Nhưng, câu chuyện từ luật pháp tới thực thi cũng gian nan lắm. Văn phòng Tony Blair cũng đã lên kế hoạch triển khai cho 5 năm tới. Vì thế, giờ không còn thí điểm nữa, thí điểm thì họ không làm, chỉ làm thật thì họ mới tham gia.

Giờ pháp luật có rồi, còn thành công thì còn tùy thuộc vào khâu thực thi thế nào. Tôi biết, các nhà đầu tư Nhật Bản, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Mỹ đã tới tìm hiểu về nghị định này, nên hy vọng sẽ có làn sóng đầu tư mới.

- Nghị định có cách nào kiểm soát giá, phí hàng hóa, dịch vụ để không quá cao, ảnh hưởng tới người sử dụng?

- Muốn biết giá hàng hóa, dịch vụ theo thị trường hay quá cao, thì cái quan trọng là phải đấu thầu cạnh tranh, phải chọn được nhà đầu tư có giá cạnh tranh nhất. Đa phần nhà đầu tư muốn đấu thầu rộng rãi, nhưng cũng có một số nhà đầu tư của một số nước chỉ muốn chỉ định thầu.

Luật Đấu thầu mới nhấn mạnh tới giá để đánh giá, chọn nhà thầu hiệu quả nhất chứ không phải chỉ là nhà đầu tư có giá thấp nhất. Khi mang đấu thầu, tôi tin là giá phí đề xuất cho dự án phải sát với thị trường, nếu không nhà đầu tư khác giành mất.

Theo Luật Đấu thầu mới, tất cả dịch vụ công phải mang ra đấu thầu. Rõ ràng đấu thầu là phương thức cạnh tranh. Như trồng cây xanh ở Hà Nội mang ra đấu thầu sẽ khác ngay.

- Ông giải thích như thế nào về việc ưu đãi 5% cho nhà đầu tư đề xuất dự án?

Có hai dòng dự án.

Thứ nhất là do cơ quan nhà nước đưa ra mời nhà đầu tư tham gia, thì không nhà đầu tư nào được ưu đãi. Họ phải bình đẳng như nhau.

Thứ hai là loại dự án nhà nước chưa nghĩ ra, khuyến khích sáng tạo và nhà đầu tư tự đề xuất. Chẳng hạn như làm bệnh viện ở Mỹ Đình (Hà Nội), nhà đầu tư thấy dự án đó có thể làm và thu phí để thù hồi vốn, thì họ đề xuất và nhà nước cho phép nghiên cứu. Trường hợp đó thì để đảm bảo minh bạch và hài hòa lợi ích nhà nước – nhà đầu tư - người sử dụng. Quy định cũ là nhà đầu tư được chỉ định thầu với dự án mình đề xuất, nhưng giờ phải là đấu thầu. Nhà đầu tư trúng thầu với điều kiện là giá của họ cao hơn bình thường 5% ưu đãi. Điều này để tránh tình trạng nhà đầu tư đẩy giá lên 200-500%. Nếu giá anh đề xuất là 104% thì chắc chắn trúng thầu; nhưng nếu giá đề xuất cao hơn thì sẽ có nhà đầu tư khác nhảy vào và anh sẽ mất dự án.

Vì thế, giá ưu đãi cho anh một phần, nhưng phải đảm bảo giá là thị trường và không quá cao. Nhưng nếu đề xuất và nghiên cứu của anh mà không được duyệt thì chi phí anh sẽ mất. Còn nghiên cứu của anh được thông qua, nhưng anh không trúng thầu, thì nhà đầu tư trúng thầu sẽ phải trả chi phí làm nghiên cứu đó.

Trước đây chỉ định thầu rất nhiều, nên mọi thứ chuẩn bị không rõ ràng, hợp đồng không chặt chẽ, nên khi thực hiện thì phát sinh nhiều vấn đề. Có một số dự án công tư nhân làm, nhà nước bỏ vốn, nhưng sau họ thấy không hiệu quả nên trả lại cho nhà nước, và nhà nước phải làm. Có tình trạng đó.

Tư Hoàng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Lợi nhuận dẫn dắt doanh nghiệp về quê (26/03/2015)

>   Vì sao nhiều chủ đầu tư quay lưng với dự án thủy điện ở Hà Giang? (26/03/2015)

>   Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN có tân chủ tịch (26/03/2015)

>   Ninh Thuận đẩy mạnh kêu gọi vốn đầu tư (26/03/2015)

>   Bộ Tài chính "lắc đầu" với một loạt ưu đãi thuế khu kinh tế Chu Lai (26/03/2015)

>   EVN sắp mất thế độc quyền mua bán điện (26/03/2015)

>   Mua tàu triệu đô, bán giá sắt vụn: Hết mơ biển lớn (26/03/2015)

>   Doanh nghiệp nội địa ít hưởng phần từ phục hồi kinh tế (25/03/2015)

>   Không vì 5-10% doanh nghiệp vi phạm mà siết tất cả lại (25/03/2015)

>   Thủ tướng quyết định lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh (25/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật