Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam
Chiều 4-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Luật sư Ngô Quang Thụy, nhiều năm đại diện cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá, cho biết Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính tôm kỳ 9 - POR9 (từ 1-2-2013 đến 31-1-2014) đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, chỉ có duy nhất một công ty là Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) (FMC) được hưởng mức thuế 0%, riêng đối với 2 công ty là bị đơn bắt buộc là Minh Phú (MPC), Thuận Phước chịu mức thuế lần lượt là 1,50%, 1,06%. 30 DN xuất khẩu tôm vào Mỹ khác cũng chịu mức thuế chống bán phá giá 0,93%. Dự kiến tháng 7-2015 DOC sẽ ra phán quyết cuối cùng, chậm nhất là đầu tháng 9-2015.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết mức thuế POR9 mà DN xuất khẩu tôm Việt Nam phải chịu thấp hơn so với đợt rà soát lần thứ 8.
Ảnh minh họa
|
Mức thuế giảm sẽ tạo điều kiện cho DN tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào Mỹ. Tuy nhiên, việc áp thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam là hết sức vô lý, Vasep sẽ tiếp tục có văn bản gửi DOC phản đối về quyết định này.
Nhiều DN xuất khẩu tôm Việt Nam cho rằng, mức thuế chống bán phá giá tôm lần này thấp là nhờ Ban hội thẩm của Tổ chức Thương mại WTO đã đưa ra phán quyết với nhiều nội dung có lợi cho các DN xuất khẩu tôm của Việt Nam, nhất là về thủ tục điều tra và tính toán biên độ phá giá.
Để có được những tín hiệu tích cực trên là nhờ động thái của phái đoàn thường trực Việt Nam, Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) vào năm 2013 đã đề nghị lập Ban hội thẩm về vụ kiện tôm chống bán phá giá đối với Mỹ và đã được Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO chấp thuận.
Trước đó, trong đợt ra soát lần thứ 8 từ ngày 1-2-2012 đến 31-1-2013, 32/32 DN xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đều phải chịu mức thuế rất cao từ 4,98% - 9,75%.
Quang Huy
Pháp luật TPHCM
|