Thứ Ba, 03/03/2015 22:16

Doanh nghiệp ưu tư quá nhiều

Nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế vốn, chính sách vẫn đang là lực cản lớn đối với doanh nghiệp.

Với tinh thần lắng nghe doanh nghiệp (DN), sáng 3-3, lãnh đạo TP HCM đã gặp gỡ 123 DN tiêu biểu trên địa bàn nhằm tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Bỏ quên doanh nghiệp vừa và nhỏ (?!)

Kể câu chuyện thật của DN mình được ngân hàng (NH) cho vay vốn mua máy từ nước ngoài trị giá 80.000 USD nhưng cũng cái máy y như vậy sản xuất ở Việt Nam có giá chỉ 25.000 USD thì không được NH cho vay, ông Hàng Vay Chi - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Hương, Chủ tịch Hội DN quận 11 - dẫn chứng cho việc còn có tư tưởng phân biệt đối xử, không tin tưởng chất lượng hàng trong nước và chưa quan tâm đúng mức đến DN vừa và nhỏ. Theo ông Chi, từ khi gia nhập WTO, nền sản xuất chưa lớn mạnh, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Trong những năm 1980, DN vừa và nhỏ (lúc đó gọi là xí nghiệp) đủ điều kiện sản xuất, hoàn toàn bổ sung tất cả hàng tiêu dùng cho những tập đoàn quốc doanh, giá trị sản lượng chiếm tỉ trọng rất cao vì nhà nước có chính sách rất hữu hiệu. Mười năm nay, nhà nước chú trọng tập trung vào DN lớn mà ít “ngó ngàng” tới DN vừa và nhỏ. “Nên có định nghĩa đúng thế nào là DN vừa và nhỏ. Song song đó, nên thành lập quỹ hỗ trợ DN vừa và nhỏ để từ đó hỗ trợ, bảo lãnh DN vay vốn đầu tư máy móc, công nghệ; làm sao kết nối được DN lớn và DN vừa và nhỏ để cùng tạo ra sản phẩm. Chúng tôi chỉ mong lập được quỹ khoảng 2.000 tỉ đồng để bảo lãnh DN vừa và nhỏ vay vốn đầu tư máy móc, công nghệ. Nếu đầu tư tốt, chỉ vài ba năm, DN vừa có thể lớn lên thành DN cỡ trung” - ông Chi nói.

Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải trò chuyện với đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn Ảnh: TẤN THẠNH

Cũng gặp nhiều khó khăn do nhà nước bỏ các chính sách hỗ trợ, bà Lã Thị Lan, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện, cho biết trước đây nội địa hóa ngành cơ khí - điện được quan tâm, bước vào giai đoạn hội nhập, nhà nước bỏ hỗ trợ khiến các DN vừa và nhỏ ngành cơ khí nói chung và cơ khí - điện nói riêng khó cạnh tranh trong sản xuất sản phẩm đầu cuối. Năm 2000, nội địa hóa được nhà nước thúc đẩy, nhiều DN đã nội địa hóa trên 80% nhưng từ khi bỏ hỗ trợ thì DN giảm sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Xuân Hàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco), cho rằng DN đang “chiến đấu” vất vả với thị trường trong nước và nước ngoài nhưng các ngành, các cấp ban hành quá nhiều văn bản, giống như những cái “bẫy” giăng sẵn chờ DN. “Gần đây nhất, Tổng cục Thuế ra quy định rất “trời ơi”, yêu cầu các hóa đơn, chứng từ hợp pháp sử dụng trong khấu trừ, hoàn thuế phải có tên và địa chỉ NH phục vụ người trả/người thụ hưởng. Cục Thuế TP HCM đã kiến nghị Tổng cục Thuế bỏ quy định vô lý này. Vì sao trước khi ban hành bất kỳ quy định gì, cơ quan chức năng không tham khảo, nghiên cứu kỹ gây ảnh hưởng đến DN như vậy? Hay như thông tư của Bộ Tài chính cho trích lập quỹ phát triển khoa học - công nghệ nhưng bản thân Maseco và nhiều DN không dám trích lập quỹ này vì trích lập thì dễ, điều kiện sử dụng quá mông lung; trích lập mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng quy định sẽ bị phạt. Ba năm nay, chúng tôi có nhu cầu đầu tư rất nhiều cho khoa học - công nghệ nhưng không dám xài quỹ” - ông Hàn bức xúc.

Điểm nghẽn chính sách

Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM - kiến nghị TP lấy chủ đề năm 2015 là năm của DN và vì DN. DN là lực lượng nòng cốt để thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đầu năm 2015, cả nước đã có trên 2.000 DN ngừng hoạt động, cho thấy hoạt động kinh doanh của các DN vẫn còn rất khó khăn.

Ông Minh kiến nghị TP HCM cần tập trung hỗ trợ cho DN hội nhập; tháo gỡ chính sách cho DN vừa và nhỏ, đặc biệt là DN tư nhân, thúc đẩy cải cách thể chế cho DN hoạt động. Hiện cả nước chưa có tài liệu nào hướng cho DN biết phải nắm bắt gì, lưu ý gì trong hội nhập mà chủ yếu DN tự tìm hiểu. DN còn mơ hồ do không có chủ trương, giải thích, dự báo, dự phòng cho DN. Ngoài ra, vấn đề thiếu cơ chế tiếp cận vốn đã tồn tại khá lâu nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ rốt ráo. Nợ xấu phải để NH tự xử lý, cho phép NH được đảo nợ, khoanh nợ… Lãi suất phải phù hợp và ổn định lâu dài thì DN mới làm ăn được. Các dự án đầu tư chiều sâu, vòng đời dự án dài nhưng không NH nào bảo đảm lãi suất cho vòng đời dự án, hậu quả là nhiều DN đã “chết” vì lãi suất thả nổi. DN không dám vay, không đầu tư chiều sâu thì làm sao tăng giá trị gia tăng được” - ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, cơ chế chính sách là điểm nghẽn lớn nhất. Cơ chế hiện không nhất quán, nặng về biện pháp hành chính. Chính phủ nên nghiên cứu làm thế nào để khi ban hành nghị quyết thì phải có thông tư đi cùng. Nhiều nghị quyết ra đời từ rất lâu nhưng đến giờ này chưa có thông tư hướng dẫn, kết quả là chủ trương chính sách đúng nhưng bị nghẽn. Ngoài ra, cần rút ngắn 50% thời gian cho thủ tục hành chính; bớt cửa, bớt dấu để tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho DN hoạt động.

Cam kết tích cực hỗ trợ doanh nghiệp

Ghi nhận kiến nghị của DN, lãnh đạo các sở, ngành và TP cho biết sẽ tiếp thu, phân tích và có hướng tháo gỡ quyết liệt hơn. Theo ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM - tình hình kinh tế năm 2015 dự báo tiếp tục khó khăn, nhất là khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Trước những băn khoăn của DN, lãnh đạo TP HCM sẽ làm hết mình để cải cách thủ tục hành chính, cải cách môi trường đầu tư vì khó khăn của DN là khó khăn chung của TP, DN làm ăn không hiệu quả thì TP cũng thất thu.


Thanh Nhân

người lao động

Các tin tức khác

>   Việt Nam nhập siêu trở lại sau một thời gian dài xuất siêu (03/03/2015)

>   Vì sao Vinafood 2 lỗ triền miên? (03/03/2015)

>   Thủ tướng: Cần chủ động đề xuất "luật chơi" trong hội nhập quốc tế (03/03/2015)

>   Tập trung cho hoạt động xúc tiến thương mại (03/03/2015)

>   Tất bật với đơn hàng xuất khẩu (03/03/2015)

>   ASEAN quyết tâm đưa cộng đồng AEC vào hoạt động cuối năm nay (02/03/2015)

>   Hợp tác đầu tư xây dựng Tháp Truyền hình Việt Nam (02/03/2015)

>   Trong tháng 3 có phương án tăng giá điện (02/03/2015)

>   Nhiều quy định mới về hoạt động SXKD có hiệu lực từ tháng 3/2015 (02/03/2015)

>   TPP và RCEP - Cơ hội lớn thúc đẩy đầu tư ở Việt Nam (02/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật