Tập trung cho hoạt động xúc tiến thương mại
Hoạt động trọng tâm của ngành công thương trong năm 2015 là phát huy mọi nguồn lực để mở rộng sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường và kết nối giao thương với nhiều đối tác mới. Ngành công thương TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung xây dựng chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) cụ thể theo từng ngành hàng, từng thị trường một cách chuyên nghiệp hơn…
Đại diện các doanh nghiệp giới thiệu hàng hóa và giải pháp kích cầu tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh (tháng 1-2015).
|
Năm 2015, ngành công thương thành phố đặt mục tiêu giá trị bán lẻ tăng từ 12% đến 14% so với năm 2014, tức khoảng 740.550 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng từ 8% đến 10% so với năm ngoái, tương đương 34 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa cho biết, thành phố phải tiến tới tổ chức công tác XTTM một cách chuyên nghiệp hơn, tập trung giảm dần tình trạng xuất khẩu sản phẩm thô, tăng lượng hàng có giá trị gia tăng lớn, khai thác thêm thị trường mới ở châu Phi, châu Đại Dương.
Trong năm 2014, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức 220 hội chợ triển lãm, trong đó có 141 hội chợ tổng hợp và 79 hội chợ chuyên ngành. Chỉ tính riêng chương trình “tháng khuyến mại” đã thu hút 1.200 doanh nghiệp (DN), tăng 41% so với năm 2013 và 3.000 hộ kinh doanh cá thể tham gia.
Ngoài kích cầu tiêu dùng bằng những hội chợ, ngành công thương thành phố còn tổ chức nhiều chương trình XTTM quốc tế, tạo điều kiện cho hàng Việt đi xa và giúp cho nhiều DN Việt Nam có thêm nhiều bạn hàng mới. Chẳng hạn, Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (Vifa-Expo 2014) đã có 135 DN tham gia với 615 gian hàng. Kết thúc triển lãm, 16 DN đã ký 45 hợp đồng với các đối tác đến từ Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản để tiêu thụ hàng hóa ở thị trường các quốc gia này.
Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, hiện đã có 35 tỉnh, thành phố hợp tác kinh doanh thương mại với thành phố và ký kết 1.165 dự án sản xuất, kinh doanh, đạt tổng giá trị khoảng 279.503 tỷ đồng. Riêng chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, ngành công thương thành phố đã ký kết 867 hợp đồng (năm 2014 là 430 hợp đồng) cung ứng tiêu thụ sản phẩm giữa DN thành phố với DN các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ, doanh thu hai chiều đạt khoảng 20.000 tỷ đồng.
Phó giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Lê Ngọc Đào đánh giá, nhờ chương trình kết nối cung - cầu với các địa phương, một lượng lớn hàng Việt đã được lưu thông tại thị trường nội địa với giá cả hợp lý, giúp cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đạt hiệu quả hơn. Chẳng hạn, thông qua chương trình kết nối cung -cầu hàng hóa, đã có hơn 60.000 tấn vải thiều, chiếm 65% sản lượng nội địa của tỉnh Bắc giang, được DN tại TP Hồ Chí Minh tổ chức tiêu thụ.
Năm qua, TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh công tác XTTM tại Lào, Cam-pu-chia, Mi-anma. giám đốc Tiếp thị Saigon Co.op Võ Hoàng Anh cho biết, năm 2014, Saigon Co.op đã xuất khẩu 300 mặt hàng, đồng thời tổ chức 200 điểm bán hàng Việt tại hệ thống siêu thị ở Xinga-po. Năm 2015, Saigon Co.op dự kiến sẽ tăng lên 3.000 mặt hàng Việt tại Xin-gapo, hàng hóa xuất khẩu vào đây đều là những hàng hóa do Việt Nam sản xuất đã có thương hiệu và đạt chất lượng cao.
Theo Phó Tổng giám đốc Công ty May Sài gòn Lê Quang Hùng, năm 2014, ngành may mặc Việt Nam thắng lớn nhưng sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh khi nền kinh tế nước ta hội nhập sâu hơn với các nước.Để giữ vững nhịp độ sản xuất và tiến về phía trước, công ty luôn đề cao và chi nhiều hơn cho công tác XTTM, đặc biệt là các thị trường mới, vì không trực tiếp gặp đối tác thì không thể biết rõ họ cần gì ở mình.
Trước đây, hàng thủ công mỹ nghệ của Công ty Hoàn Thiện Mỹ (quận Tân Phú) xuất đi các nước phần nhiều do họ đến tận xưởng xem mẫu, đặt hàng. Hai năm nay, công ty phải cắt cử nhân viên sang các nước để tiếp thị hàng hóa, tuy tốn kém nhưng việc này là không thể không thực hiện. Nhờ những chuyến đi ra nước ngoài tiếp thị, sản phẩm không bị tồn kho vì hàng làm ra được xuất ngay theo hợp đồng đã ký.
Theo giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) Phó Nam Phượng, hiện tại, ITPC đang tập trung vào các ngành mà thành phố khuyến khích phát triển như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao.Để hỗ trợ các DN làm hàng xuất khẩu, chương trình XTTM ở nước ngoài sắp tới sẽ được tổ chức quy mô và bài bản hơn.Năm 2015, ITPC tập trung vào các thị trường trọng điểm như Liên bang Nga, In-đô-nê-xi-a, Lào, Hồng Công, Cam-puchia, Mi-an-ma… thông qua việc tổ chức hội chợ triển lãm để từng bước tìm vị trí cho hàng Việt ở các thị trường này.
Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa cho biết thêm, năm 2015, ngành công thương thành phố sẽ tập trung xây dựng chương trình XTTM cụ thể theo từng ngành hàng, từng thị trường, trong đó ưu tiên xúc tiến nhập khẩu ở các thị trường có tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Chẳng hạn như nhập vải từ Ma-lai-xi-a; nhập sợi từ Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ; nhập khẩu xơ từ Thái-lan, Hàn Quốc… thì mới bảo đảm được khâu sản xuất…
Đại Đồng
nhân dân
|