Thứ Tư, 04/03/2015 06:20

Điểm nối Việt Nam vào con đường tơ lụa trên biển

Từ rất sớm, các bậc tiền nhân đã tận dụng thế mạnh của quốc gia có sông sâu, biển rộng lập nên những thương cảng sầm uất. Đó là những “điểm mở” giao thương với thế giới bên ngoài, đưa nước Việt hòa nhập vào “con đường tơ lụa” trên biển, đón nhận những luồng mậu dịch quốc tế.

Vân Đồn thương cảng mùa xuân

Mùa xuân năm con Rắn (1149), vua Lý Anh Tông đã cho lập trang Vân Đồn - đánh dấu sự ra đời của thương cảng sớm nhất lịch sử Việt Nam. Đại Việt sử ký toàn thư, bộ quốc sử đầu tiên của nước ta ghi rằng: “Kỷ Tỵ, (Đại Định) năm thứ 10 (1149), mùa xuân, tháng 2, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông, xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương”. Từ đấy, địa danh Vân Đồn lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Việt Nam. Theo dòng chảy thời gian cảng biển ở vùng đông bắc Tổ quốc đã phát triển đến điểm cực thịnh, trở thành thương cảng lớn và có vị trí quan trọng nhất của Đại Việt.

Chính sử ghi rằng: “Nhiều đoàn thương thuyền trước đây vào các cửa biển Tha, Viên ở châu Diễn, nay “phần nhiều tụ tập ở Vân Đồn”. Đến đời vua Trần Dụ Tông (1345), Vân Đồn được nâng từ một trang lên thành trấn, thuộc lộ Hải Đông, sau đổi là lộ An Bang. Là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi tập trung của thuyền bè các nước buôn bán và cư trú nên vấn đề quản lý an ninh chính trị được triều đình hết sức chú trọng. Công việc trấn giữ, quản lý vùng Vân Đồn và miền Đông Bắc thường được vua Trần giao cho các thân vương, đại thần trọng chức. Trong đó có Nhân huệ vương Trần Khánh Dư. Với chính sách ngoại thương cởi mở, thông thoáng của nhà Trần đã tạo điều kiện để Vân Đồn trở thành thương cảng sầm uất, nhộn nhịp và thịnh trị trong suốt hơn ba trăm năm, từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVI.

Bức tranh thương cảng cổ lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh

Thương cảng cổ Vân Đồn không chỉ là một bến cảng với những cầu tàu nối tiếp, mà gồm nhiều bến thuyền phân bố trên chiều dài hàng chục km từ Nam lên Bắc. Từ đại dương đi vào, bến đầu tiên của cảng Vân Đồn là Cái Làng nằm sát dưới chân núi Man thuộc đảo Quan Lạn. Đối diện với bến Cái Làng là bến Cống Cái nằm dưới chân núi Vân, rồi bến Con Quy ven đảo Ngọc Vừng, các bến thuyền nằm giữa hai đảo Cống Đông, Cống Tây… (thuộc xã Thắng Lợi ngày nay) được coi là nơi đặt trị sở của "trang Vân Đồn” thời Lý, "trấn Vân Đồn” thời Trần và "huyện Vân Đồn”.

Việc trao đổi thông thương buôn bán được tập trung chủ yếu tại khu vực này, đây cũng là nơi neo đậu thuận lợi, do có nhiều vụng biển ăn sâu vào đất liền. rất kín gió. Việc bố trí cảng ở nhiều địa điểm nhằm giảm lưu lượng tàu thuyền tập trung quá đông vào một bến. Đồng thời các quan cai quản cũng quy định cụ thể nơi đỗ của tàu thuyền ngoại quốc và tàu thuyền trong nước, tránh đỗ xen kẽ để dễ bề quản lý. Việc bố trí nhiều bến cảng trên một chiều dài hàng chục km ở nhiều đảo khác nhau đã chứng tỏ được trình độ tổ chức, quản lí, chính sách giao thương rộng rãi của cha ông ta từ thời Lý, Trần. Điều đó đã giúp cho Vân Đồn trở thành một thương cảng sầm uất và có thể gọi là “con đường tơ lụa trên biển” vang danh một thời!

Hàng hoá trao đổi ở cảng Vân Đồn là các sản vật tự nhiên, như hương liệu, ngà voi, sừng tê giác, ngọc trai, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu,.... Đó cũng là những mật hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia Đại Việt thời đó. Tiếp đến là đồ sứ. Thời Lý, đồ sứ men ngọc với kỹ thuật chế tác khá cao, kiểu dáng thanh nhã, hoa văn trang trí khéo léo, đẹp mắt, thường là hoa văn đắp nổi cả trong và ngoài mặt, không hề thua kém sứ men xanh “Long Tuyền” của Trung Quố nên nhiều nước ưa chuộng. Các thương nhân nhận hàng từ đây chuyển đến bán tận xứ Đông Ấn.

Đến thời Trần, đồ sứ phát triển thêm một bước mới, kiểu dáng khoẻ khoắn, men son nâu thanh thoát, giản dị chẳng những làm cho thương nhân nhiều nước ưa chuộng, mà ngay đến cả vua chúa triều Nguyên (Trung Quốc) cũng ưa dùng, muốn trong số những cống vật của nhà Trần dâng cho “Thiên triều” phải có loại bát sứ. Các cuộc khai quật khảo cổ học trong những năm 1967 - 1995 cho biết: vụng Cái Làng, Cống Cái trên đảo Vân Hải có một bờ dài khoảng 200m, khắp bờ vụng chồng chất hàng triệu mảnh sành sứ, dày tới 0,6m, có niên đại từ thời Lý đến thời Lê như men ngọc thời Lý, đồ men nâu thời Trần, đồ men cao trôn thời Lê với những di vật như: lọ nhỏ men lục, đĩa men lục in hoa văn sóng nước, bình lớn men lam, bát cao chân, bát hình hoa sen,…

Ngoài ra, ở quanh các nền nhà cổ mọc san sát, người ta còn tìm thấy những hũ sành đựng tiền đồng cổ thuộc tất cả các đời vua Trung Quốc từ đời Đường tới Thanh và tiền Việt Nam từ đời Lý đến Nguyễn, đặc biệt là đồng tiền bằng bạc của Tây Ban Nha đúc năm 1762 cũng đã phát hiện tại bến Cái Làng Loại hàng hoá thứ ba là lụa là, gấm vóc. Tuy tỷ trọng xuất khẩu không lớn, những đồ dệt của thợ thủ công kỷ nguyên Đại Việt khá đa dạng, kỹ thuật tinh tế, màu sắc rực rỡ.

Sang thế kỷ 17, 18 khi các điểm giao thương chuyển sâu vào nội địa, thương cảng Vân Đồn dần đi vào lịch sử. Tuy vậy, đây lại là đề tài của các sử gia, họ đều cùng chung nhận định: mặc dù được kiến dựng ở vùng biển đảo tương đối xa với kinh đô Thăng Long nhưng Vân Đồn đã sớm là điểm đến, nơi tập trung các nguồn hàng trong nước, quốc tế.

Sức mạnh thực sự của Vân Đồn được tích hợp từ bốn thành tố: Thứ nhất, Vị trí giao thông thuận lợi; Thứ hai, Là điểm đỗ an toàn trên tuyến giao thương Đông Á; Thứ ba, Nơi tập trung các nguồn hàng của Đại Việt và khu vực; Thứ tư, Vân Đồn là một vùng biển đảo giàu tài nguyên. Trong lịch sử, Vân Đồn không chỉ là một cảng biển mà còn là một vùng giàu trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, có giá trị thương mại cao và được giới thương nhân quốc tế ưa chuộng. Từ đó, chỉ ra rằng với những tác động, điều kiện khu vực và quốc tế, việc làm rõ nguồn lực tự nhiên, sức mạnh nội tại của khu vực sẽ là yếu tố quan trọng đến sự thành công của việc định hình và phát triển một cảng biển.

Thanh Lê

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp ưu tư quá nhiều (03/03/2015)

>   Việt Nam nhập siêu trở lại sau một thời gian dài xuất siêu (03/03/2015)

>   Vì sao Vinafood 2 lỗ triền miên? (03/03/2015)

>   Thủ tướng: Cần chủ động đề xuất "luật chơi" trong hội nhập quốc tế (03/03/2015)

>   Tập trung cho hoạt động xúc tiến thương mại (03/03/2015)

>   Tất bật với đơn hàng xuất khẩu (03/03/2015)

>   ASEAN quyết tâm đưa cộng đồng AEC vào hoạt động cuối năm nay (02/03/2015)

>   Hợp tác đầu tư xây dựng Tháp Truyền hình Việt Nam (02/03/2015)

>   Trong tháng 3 có phương án tăng giá điện (02/03/2015)

>   Nhiều quy định mới về hoạt động SXKD có hiệu lực từ tháng 3/2015 (02/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật