Hội nhập kinh tế quốc tế: Cơ hội và thách thức tăng trưởng
Hiện nay, Việt Nam đã là thành viên chính thức của ASEAN, APEC, ASEM và WTO. Việc hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng giao lưu mối quan hệ thương mại với các nước, các tổ chức là một cơ hội để đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển và đây cũng là xu hướng tất yếu. Rõ ràng rằng, việc hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới trong thời gian qua đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế.
Theo thống kê của Vietnam Report về Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam trong 3 năm công bố trở lại đây, tương ứng với các giai đoạn 2008-2011, 2009-2012, 2010-2013, khối doanh nghiệp FDI có tốc độ tăng trưởng doanh thu kép khá cao, chỉ đứng sau khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, cho thấy vai trò quan trọng của các doanh nghiệp FDI trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt nam.
Hình 1: CAGR trung bình theo loại hình doanh nghiệp của Bảng xếp hạng FAST500 qua các năm công bố 2013, 2014, 2015 (tương ứng với các giai đoạn 2008-2011, 2009-2012, 2010-2013). Nguồn: Vietnam Report
|
Tự do hóa thương mại đã đem lại lợi ích lớn cho Việt nam, trong khi đó tự do hóa thương mại lại chỉ đem lại sự nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng ở các nước Châu Mỹ La tinh. Tương tự như vậy, tự do hóa thương mại cũng đã tác động tích cực đến nền kinh tế của các nước như Ấn độ và Trung quốc. Sự khác biệt này là do ở các nước như Ấn độ, Trung quốc và Việt nam có dân số đông, lực lượng lao động lớn, do đó giá nhân công tương đối rẻ so với các nước khác, giúp tạo ra lợi thế cho việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngược lại, các nước Mỹ La tinh lại có lợi thế tương đối về các nguồn tài nguyên. Trong điều kiện thế chế chưa được tốt, tham nhũng vẫn diễn ra thường xuyên, thì đây lại là cơ hội để các doanh nghiệp nước ngoài thông đồng với các quan chức nhằm bóc lột tài nguyên.
Một điều quan trọng nữa cũng cần phải đề cập đến của quá trình hội nhập trong thời gian là việc Việt nam nhập khẩu chủ yếu các hàng hóa trung gian hay còn gọi là hàng hóa đầu vào, phục vụ sản xuất. Tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa trung gian chiếm khoảng 90% tổng số hàng hóa nhập khẩu, tạo ra lợi thế rất lớn trong việc thúc đẩy sản xuất, cũng như xuất khẩu hàng hóa vì các yếu tố sau: thứ nhất, quá trình hội nhập kinh tế thế giới sẽ cho phép các doanh nghiệp trong nước lựa chọn được các hàng hóa đầu vào với giá rẻ do đó sẽ giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường quốc tế. Thứ hai, việc tự do hóa thương mại cũng giúp các doanh nghiệp lựa chọn được các yếu tố đầu vào có chất lượng tốt hơn so với thời kỳ trước khi hội nhập, từ đó thúc đẩy việc sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Trước kia, khi Việt nam nhập siêu đã làm lo lắng nhiều nhà hoạch định chính sách cũng như các chuyên gia kinh tế, nhưng thực sự việc nhập siêu hay xuất siêu lại không phải yếu tố cần phải quan tâm. Vì thực chất nhập siêu của Việt nam là nhập hàng hóa đầu vào là chủ yếu, do đó sẽ tác động đến khả năng xuất khẩu cũng như năng lực sản xuất của nền kinh tế trong dài hạn. Thật vậy, sau một thời gian dài nhập siêu, Việt nam đã trở thành nước xuất siêu.
Trong thời gian tới khi lợi thế về nhân công giá rẻ mất dần do thu nhập của Việt nam đang ngày càng tăng cao, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có xu hướng chuyển vốn ra các nước khác để đầu tư. Ngoài ra, Việt nam cũng phải đưa mức thuế suất của các mặt hàng về mức 0% như đã cam kết trong thời gian tới. Đặc biệt, việc mở cửa các lĩnh vực dịch vụ tài chính sẽ là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt nam. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, Chính phủ Việt nam cần phải giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất thông qua việc giảm các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Ví dụ, việc giảm số giờ đăng ký khai thuế, giảm thủ tục khai hải quan sẽ làm giảm chi phí cho doanh nghiệp phải thuê nhân công, như vậy sẽ trực tiếp làm giảm giá thành sản xuất của doanh nghiệp. Các nghiên cứu thực nghiệm cũng chỉ ra rằng việc giảm thời gian từ cổng nhà máy sản xuất đến cảng xuất khẩu sẽ thúc đẩy được hoạt động xuất khẩu. Thêm vào đó, việc nâng cao chất lượng giáo dục là cần thiết nhằm xây dựng đội ngũ công nhân có kỹ năng và tay nghề để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu có mức giá trị gia tăng cao hơn thay thế cho lợi thế nhân công giá rẻ như hiện nay.
Hoàng Trung
vietnamnet
|