Nghĩ từ chỉ số CPI tháng 2
Giá của nhóm ngành giao thông (nhất là xe khách) hầu như không giảm hoặc có giảm chỉ là chiếu lệ hoặc chỉ giảm khi có đoàn kiểm tra. Nhưng chỉ số giá nhóm ngành giao thông giảm đến 4,41% so với tháng 1-2015 và giảm đến 8,2% so với tháng 12-2014. Sao lạ vậy?
Dù là tháng tết nhưng chỉ số giá tiêu dùng vẫn giảm
|
Mới đây, Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2015 giảm 0,05% so với tháng 1-2015 và 0,25% so với tháng 12-2014. Công bố này dựa vào đợt khảo sát giá ngày 15-2. Cụ thể, có ba nhóm sản phẩm có CPI giảm là nhà ở và vật liệu xây dựng, bưu chính- viễn thông và giao thông. Trong đó, giảm đáng kể nhất là nhóm ngành giao thông, giảm đến 4,41% so với tháng 1-2015 và giảm đến 8,2% so với tháng 12-2014.
Tôi và một số người thắc mắc chỉ số giá ngành giao thông có phản ánh thực tế và mức độ tác động của nó đến CPI nói chung như thế nào?
Những câu hỏi thường được đặt ra sau mỗi kỳ công bố số liệu thống kê: đối tượng khảo sát là ai (người bán sản phẩm hay người tiêu dùng?), quyền số để tính chỉ số giá ra sao... Với những câu hỏi này, câu trả lời của cơ quan thống kê thường là cơ quan này đã “làm theo đúng chuẩn mực quốc tế...”. Một câu trả lời thực ra là không trả lời gì cả!
Tôi đã rất vui mừng khi vào trang web của TCTK và tìm thấy mục “Khái niệm, định nghĩa, phương pháp tính các chỉ tiêu thống kê” nhưng vào đi vào lại nhiều lần thì đấy vẫn chỉ là “trang trắng”.
Trên thực tế, giá của nhóm ngành giao thông (nhất là xe khách) hầu như không giảm hoặc có giảm chỉ là chiếu lệ hoặc chỉ giảm khi có đoàn kiểm tra. Tôi thường xuyên phải đi xe khách, đã chứng kiến điều này. Trên lộ trình tôi đi, giá vé có giảm một lần, khoảng 5% (từ 85.000 đồng xuống 80.000 đồng) nhưng thời gian giảm chỉ trong một ngày, sau đó tăng lại như cũ. Nếu thống kê viên về giá đi hỏi người bán sản phẩm trong trường hợp này thì sẽ được một con số ảo.
Tuy mục “Khái niệm, định nghĩa, phương pháp tính các chỉ tiêu thống kê” không có thông tin nhưng qua tìm hiểu, tôi được biết quyền số để tính chỉ số CPI là quyền số của năm 2009 và không thay đổi đến nay. Điều tra mức sống hộ gia đình được thực hiện hai năm một lần vào các năm chẵn, sao không sử dụng để cập nhật quyền số để tính CPI? Hơn nữa về mặt nguyên tắc, cơ cấu về tiêu dùng từ bảng cân đối liên ngành (bảng I/O), từ điều tra mức sống và từ việc tính toán giá phải tương thích với nhau. Liệu đã có sự tương thích này?
Tiết Đinh Sơn
tbktsg
|