Thứ Hai, 02/03/2015 23:00

Diễn biến CPI và triển vọng tăng trưởng

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2015 (tháng có Tết Nguyên đán) lần đầu tiên giảm sau nhiều năm (giảm 0,05% so với tháng 1/2015), và là tháng giảm thứ tư liên tiếp, đã được Chính phủ làm rõ tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2015.

Trong tháng 3 có phương án tăng giá điện

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định CPI giảm liên tiếp không phải là hiện tượng giảm phát của nền kinh tế mà nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng, dầu, giá gas trong nước điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới, tác động làm giảm chỉ số giá các nhóm hàng Giao thông, Nhà ở và vật liệu xây dựng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2015. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Giảm phát của nền kinh tế được phản ánh qua hiện tượng cung vượt cầu, dẫn tới suy giảm sản xuất trong nước. Tuy nhiên, tình hình sản xuất trong nước 2 tháng đầu năm vẫn phát triển tốt, sức mua (thể hiện qua tổng mức bán lẻ) tăng cao (nếu loại trừ yếu tố giá thì tháng 2/1015 tăng 10,7%, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước 2014 là 6,2%; năm 2013 là 3,6%)”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Đáng chú ý, lạm phát cơ bản (loại trừ biến động giá của nhóm lương thực, thực phẩm, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý, gồm cả dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) tháng 2/2015 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 0,6% so với tháng 12/2014; bình quân 2 tháng đầu năm tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm tăng 12% (cùng kỳ tăng 5,4%).

Đồng tình với báo cáo của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng CPI giảm trong tháng tết ngoài yếu tố giá xăng dầu thế giới giảm thì công tác bình ổn giá được các địa phương làm tốt, nguồn cung hàng dồi dào.

“Việc tăng giảm giá xăng dầu quốc tế không phải là vấn đề thường xuyên mà lạm phát trong thời gian dài trước kia của chúng ta là do kiểm soát giá. Trong đó nhiều mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá đã từng bước chuyển sang cơ chế thị trường, một số mặt hàng đã được điều chỉnh phù hợp, điều hòa hơn. Từ xu hướng diễn biến lạm phát cho thấy đã tạo dư địa để điều chỉnh các chỉ tiêu đi kèm để phù hợp, tạo thuận lợi hơn cho nền kinh tế, trong đó có việc tiếp tục nới lỏng phần nào chính sách tín dụng tiền tệ với việc giảm lãi suất trung, dài hạn. Tuy nhiên, không thể chủ quan với diễn biến giá xăng dầu thế giới và lạm phát trong thời gian sắp tới”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình phân tích.

Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn nhận định lạm phát cơ bản đang ở trạng thái cân bằng, hợp lý nhất với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam hiện tại.

“Hiện nay mức lạm phát cơ bản của chúng ta đang ở mức 2,4% (theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia), nếu với tốc độ tăng trưởng 7-7,5% thì mức lạm phát 3-3,5% thì là hợp lý, lý tưởng nhất. Bên cạnh đó, niềm tin kinh doanh của nhà đầu tư và người tiêu dùng đang đạt mức cao nhất bốn năm qua, cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế cả năm rất tích cực”, ông Ngoạn nói.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng diễn biến lạm phát những năm gần đây cho thấy thời cơ quan trọng để nền kinh tế có thể chuyển vào giai đoạn tăng trưởng ổn định với tốc độ cao hơn lạm phát. Khi niềm tin của người dân vào giá trị đồng tiền giúp tạo ra nguồn vốn nội địa dồi dào với mức lãi suất thấp.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, các Bộ ngành, địa phương nỗ lực tối đa, cố gắng đạt được tăng trưởng ở mức độ cao nhất. Từng Bộ ngành phải tìm cách để hiệu quả cao, kết quả cao hơn theo mục tiêu nghị quyết từ đầu năm, trong đó, tháo gỡ khó khăn tạo thuận lợi cho DN có ý nghĩa quyết định.

Phương Nguyên

chính phủ

Các tin tức khác

>   Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Tổng cầu tăng, chưa có dấu hiệu giảm phát (02/03/2015)

>   Thủ tướng chỉ đạo nâng cao hiệu quả hợp tác với nhà tài trợ ODA (02/03/2015)

>   Năm 2015: Năm thực hiện những cam kết (02/03/2015)

>   PMI tháng 2: Sản lượng sản xuất tăng 17 tháng liên tiếp (02/03/2015)

>   Vốn ngoại đổ vào bất động sản hơn 111 triệu USD trong 2 tháng đầu năm (28/02/2015)

>   Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 2 tháng đầu năm tăng 11.4%, đạt 542.7 ngàn tỷ đồng (28/02/2015)

>   TPHCM: Kinh tế-xã hội tiếp tục tăng trưởng ổn định (26/02/2015)

>   Kỳ vọng về sự khởi đầu chặng đường phát triển mới (26/02/2015)

>   EIU: Lạm phát ở Việt Nam tiếp tục giảm nhờ nỗ lực bình ổn giá (26/02/2015)

>   Thực phẩm còn neo giá cao (26/02/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật