Kỳ vọng về sự khởi đầu chặng đường phát triển mới
Mục tiêu tổng quát của nền kinh tế năm 2015 đã được Chính phủ xác định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2015. Thực hiện được mục tiêu này, năm nay sẽ là năm bản lề để nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới.
Theo chúng tôi, mục tiêu tổng quát “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014” là hoàn toàn khả thi. Nền kinh tế Việt Nam có cơ hội tạo ra bước đột phá mới trong năm 2015 nếu các giải pháp của Chính phủ và sự đồng thuận của toàn xã hội hướng đến các nội dung cơ bản: Đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phải được coi là giải pháp trọng tâm và cần được thực hiện mạnh mẽ trong năm 2015.
Khơi thông các điểm “nghẽn”
Trước hết, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần định hình rõ hơn “mô hình tăng trưởng mới” với nội hàm và mục tiêu cụ thể; cụ thể hóa Đề án tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế, gắn với tái cấu trúc các lĩnh vực trọng tâm trong nền kinh tế, bao gồm lĩnh vực đầu tư công, các doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng; đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính phải được coi là điều kiện tiên quyết và là yếu tố đột phá để “tái cấu trúc” nền kinh tế đạt hiệu quả; giải quyết nợ xấu gắn với tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần được thực hiện triệt để và căn cơ hơn.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông các “điểm nghẽn”, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là yêu cầu bức thiết đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Các giải pháp: Kiên định mục tiêu “ổn định kinh tế vĩ mô”, duy trì tỷ lệ lạm phát hợp lý là điều kiện hết sức quan trọng để cải thiện tình hình kinh tế; tiếp tục đổi mới tư duy và phương thức can thiệp của Chính phủ vào nền kinh tế theo hướng chuyển từ mô hình “Nhà nước quản lý phát triển” sang mô hình “Nhà nước kiến tạo phát triển”; tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19 (ngày 19/3/2014) về “cải thiện môi trường kinh doanh”, đưa nhanh các đạo luật mới ban hành trong năm 2014 đi vào cuộc sống như Luật Phá sản, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi), nhằm tạo sinh khí mới cho môi trường đầu tư, kinh doanh trong năm 2015; cần tăng cường thông tin, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hệ thống kinh tế, để các doanh nghiệp có thể lựa chọn và quyết định kinh doanh có hiệu quả.
Yếu tố sống còn
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, yếu tố quyết định chính là nâng cao năng suất lao động, do vậy nâng cao năng suất lao động là yếu tố “sống còn” đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Theo đó, Chính phủ cần có biện pháp hướng các doanh nghiệp đầu tư phát triển các lĩnh vực thâm dụng khoa học công nghệ, hàm lượng chất xám trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp cần nhận thức được tầm quan trọng của đầu tư cho khoa học công nghệ và nâng cao năng lực lựa chọn công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mở rộng các hình thức hợp tác, thu hút mọi sáng kiến khoa học công nghệ trong và ngoài nước, nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, sự phối hợp nhịp nhàng có hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng cần được củng cố và tăng cường trong năm 2015. Chính sách tài khóa trong thời gian tới cần kiên quyết hơn trong mục tiêu giảm bội chi ngân sách, điều chỉnh cơ cấu chi cho phù hợp hơn và kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư công. Đây là các giải pháp góp phần ổn định các cân đối vĩ mô, hỗ trợ tích cực cho chính sách tiền tệ, nhằm đưa nền kinh tế phát triển bền vững.
Đổi mới tư duy phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay không chỉ là yêu cầu cấp thiết để tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, mà còn là sứ mệnh của Đảng tại Đại hội lần thứ XII sắp tới. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN mặc dù còn tiếp tục phải nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó phải là một thể chế kinh tế có khả năng dung hợp, cho phép và khuyến khích sự tham gia của đại đa số dân chúng vào các hoạt động kinh tế, sử dụng tốt nhất tài năng và trình độ của họ và giúp các cá nhân thực hiện những lựa chọn họ muốn.
Tóm lại, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2015 và các năm tiếp theo phụ thuộc rất nhiều vào các quyết sách và công tác điều hành vĩ mô của Chính phủ. Đẩy mạnh cải cách thể chế, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vẫn phải là giải pháp đột phá và có ý nghĩa quyết định để nền kinh tế đất nước có bước phát triển mới trong năm 2015 và các năm tiếp theo.
PGS. TS Nguyễn Chí Hải - (Trưởng Khoa Kinh tế, ĐH Kinh tế-Luật, ĐHQG TP. HCM)
chính phủ
|