Năm mới, lại nhắc về một lời cảnh báo
Liệu Việt Nam có kẹt trong bẫy thu nhập trung bình mà nhiều quốc gia khác đã mắc phải sau hàng chục năm cố gắng phát triển?
Lao động giá rẻ vẫn còn là lợi thế của Việt Nam sau gần 30 năm thu hút FDI. Ảnh TL.
Giáo sư Nhật Bản Kenichi Ohno, người luôn gắn bó với các chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam trong vòng hai thập kỷ qua, khẳng định Việt Nam đã mắc bẫy thu nhập trung bình tại hai cuộc hội thảo lớn ở Hà Nội, một do Ban Kinh tế Trung ương Đảng tổ chức hồi đầu năm 2014, một do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức cuối năm.
Theo ông Ohno, các dấu hiệu của bẫy thu nhập trung bình đang trở nên rõ ràng hơn như tăng trưởng chậm; năng suất kém; chuyển dịch cơ cấu chỉ mang tính hình thức; trì trệ trong các chỉ số xếp hạng toàn cầu; và các vấn đề nảy sinh do tăng trưởng như môi trường, tham nhũng,…
Nhận định của ông Ohno, dù gây tranh cãi với nhiều học giả trong nước, không phải là mới.
Giữa năm 2011, khi rời khỏi Việt Nam sau nhiệm kỳ, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Ayumi Konishi đã đưa ra lời cảnh báo tương tự.
Các chuyên gia kinh tế trong nước như ông Trần Đình Thiên, Lê Xuân Nghĩa cũng đã khẳng định điều này vào năm 2009, khi họ gặp gỡ với các văn phòng Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ.
Bẫy thu nhập trung bình là tình trạng một quốc gia không thể thoát khỏi mức thu nhập trung bình để tiến lên mức thu nhập cao trong thời gian dài.
Vào năm 2008, Việt Nam đạt được mức thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 đô la Mỹ và trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới. Đến năm 2014, nhà tài trợ này nhận xét, còn quá sớm để nhận định rằng Việt Nam đã mắc bẫy thu nhập trung bình.
Song, ít nhất, lời cảnh báo này là cần thiết để xem lại những vấn đề đang gây cản trở đất nước phát triển và đối diện với nguy cơ sa bẫy.
Theo ông Ohno, suốt từ 2007 đến nay, tăng trưởng của Việt Nam luôn có chiều hướng đi xuống. Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vẫn còn quá sớm để tăng trưởng chững lại. Tăng trưởng thấp dưới 6% là không chấp nhận được do gánh nặng thất nghiệp và những vấn đề xã hội khác.
Ông phân tích, những động lực chính cho tăng trưởng là sự năng động của khu vực tư nhân, sự nhanh nhạy và năng động của lãnh đạo quốc gia và các công cụ chính sách.
Nếu xét riêng lẻ cấu phần đầu tiên, tức khu vực doanh nghiệp tư nhân, như vị chuyên gia này khuyến cáo, thì có nhiều điều đáng lo lắng.
Khu vực doanh nghiệp tư nhân, mới chỉ được chính thức công nhận từ khi có Luật Doanh nghiệp 2000, đã gặp khó khăn rất lớn trong vài năm nay.
Đà phá sản của doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng cao trong năm 2014 với hơn 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc ngừng hoạt động, theo Tổng cục Thống kê. Như vậy, trong vòng 4 năm qua đã có hơn 200.000 doanh nghiệp tư nhân đóng cửa, một con số rất đáng lo ngại.
Nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam đã lần lượt rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài sau các thương vụ M&A.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nếu tính cả các hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động trong nền kinh tế thì tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ có thể chiếm tới trên 99,9%.
Do quy mô nhỏ nên có rất nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài hoặc tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Trong khi đó, khu vực này lại bị chèn ép bởi khu vực DNNN đặc quyền.
Hay nội dung thứ ba, các công cụ chính sách (nội dung, quy trình, tổ chức và văn bản). Đây chính là công cuộc cải cách thể chế mà Nghị quyết 19 của Chính phủ đang nhắm vào.Đây là một trong những điểm nghẽn đang làm thui chột tinh thần kinh doanh của không ít người dân.
Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, mỗi năm trung bình có khoảng 20 luật và 100 nghị định được ban hành; nhưng có tới hơn 600 thông tư và hàng ngàn văn bản điều hành.
Hệ thống pháp luật như vậy là không ổn định, thiếu nhất quán, thiếu tính minh bạch, khó tiên liệu đã gây ra những bất lợi đối với môi trường kinh doanh.
Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định phân tán tại nhiều văn bản pháp luật (khoảng 391 văn bản pháp luật, gồm 56 Luật, 8 Pháp lệnh, 115 Nghị định, 176 Thông tư, 26 Quyết định của các Bộ trưởng và 2 văn bản của Bộ).
Với mỗi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện lại có các cấp điều kiện khác nhau và trong nhiều trường hợp các điều kiện kinh doanh được quy định tại một số văn bản pháp luật khác nhau; và điều kiện “chồng” lên điều kiện; để đáp ứng được một điều kiện (cấp 1), doanh nghiệp phải thỏa mãn hàng loạt các điều kiện khác (điều kiện cấp 2).
Cho dù ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, và cấm kinh doanh đã được gom lại trong Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua, thì bản thân điều đó cho thấy thực tế là pháp luật về kinh doanh có điều kiện phức tạp, chưa thân thiện với thị trường và kinh doanh, làm tăng chi phí, tạo rào cản gia nhập thị trường và hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh.
Về kiểm tra tính hợp pháp, trong giai đoạn 2009 - 2012, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 8.779 văn bản; phát hiện 2.473 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật; nhưng Bộ chỉ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ 106 văn bản có nội dung trái pháp luật; ra thông báo đối với 207 văn bản có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền và nội dung để tự xử lý.
Còn rất nhiều những lĩnh vực khác không thể kể hết vẫn đang gây cản trở cho tự do kinh doanh của người dân.
Thể chế rối rắm, mịt mù như vậy là một trong những lý do mà xếp hạng của Việt Nam trong các báo cáo hàng năm của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới mãi không được cải thiện trong nhiều năm qua.
Theo ông Ohno, một số quốc gia ở châu Phi như Mauritius, Rwanda, Ethiopia, Tunisia, Zambia,… có chính sách công nghiệp tốt hơn Việt Nam.
“Việt Nam thiếu cả ý chí và khả năng để thúc đẩy công nghiệp hóa so với nhiều nước ở châu Á và châu Phi”, ông nói.
Vạch ra những điểm yếu kém cũng có nghĩa đã tìm thấy cách khắc phục để tiếp tục đi tới. Nhưng, vấn đề là việc khắc phục có thực sự được triển khai trên thực tế?
Đã có nhiều lời cảnh báo về tình trạng tụt hậu của đất nước. So với bản thân mình trong quá khứ gần, thì Việt Nam đã tiến rất xa, nhưng so với khu vực, và nhiều nơi trên thế giới, thì họ thậm chí còn tiến nhanh hơn.
Liệu lời cảnh báo của vị chuyên gia yêu mến Việt Nam này có được lắng nghe và tiếp thu? Nếu không, sau vài chục năm nữa, sẽ lại có nhiều tiếng than thở cất lên, giá như chúng ta đã làm theo lời ông Ohno.
Tư Giang
tbktsg
|