PMI tháng 2: Sản lượng sản xuất tăng 17 tháng liên tiếp
Lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục kéo dài đà tăng trưởng gần đây trong tháng 2/2015, với số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều gia tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, giá đầu vào tiếp tục giảm mạnh theo chi phí nhiên liệu và điều này đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể của giá đầu ra.
* PMI sản xuất tháng 1: Chi phí đầu vào giảm kỷ lục khi giá nhiên liệu lao dốc
Số liệu công bố sáng ngày thứ Hai (02/03) cho thấy chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam do HSBC và Markit Economics khảo sát đạt 51.7 trong tháng 2/2015, nhích nhẹ so mức 51.5 trong tháng 1/2015.
Được biết, các điều kiện hoạt động của lĩnh vực sản xuất Việt Nam liên tục khả quan hơn qua từng tháng trong vòng 18 tháng qua.
Số đơn đặt hàng mới tại các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam tăng mạnh trong tháng 2 với tốc độ nhỉnh hơn so với tháng 1, đánh dấu tháng gia tăng thứ 6 liên tiếp. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia khảo sát đã công bố nhu cầu khách hàng cao hơn, các sản phẩm có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Ngược lại, số đơn hàng xuất khẩu mới lại giảm, chấm dứt chuỗi 5 tháng tăng trưởng trước đó.
Đà gia tăng của số đơn đặt hàng mới nói chung đã giúp sản lượng tăng tháng thứ 17 liên tiếp. Tương tự như số đơn hàng mới, sản lượng tháng 2 cũng tăng mạnh hơn so với tháng đầu năm.
Sản lượng cao hơn đã dẫn đến sự gia tăng của số lượng việc làm và sức mua. Cụ thể, số lượng nhân viên đã gia tăng tháng thứ 6 liên tiếp, dù với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 9/2014. Trong khi đó, hoạt động mua vào cũng gia tăng 18 tháng liên tiếp.
Nhận định về PMI tháng 2/2015 của Việt Nam, chuyên viên kinh tế cấp cao Andrew Harker của Markit cho biết: "Khi Việt Nam đón Tết Nguyên Đán, đã có thêm thông tin tốt về lĩnh vực sản xuất trước tháng 2. Cả sản lượng và số đơn đặt hàng mới đều gia tăng với tốc độ mạnh hơn, và các doanh nghiệp cho rằng nhu cầu khách hàng tăng cao là nhờ giá cả cạnh tranh".
Ông cho biết thêm: “Chi phí nhiên liệu thấp hơn đang đẩy giá cả trong ngành đi xuống, khớp với tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng yếu kém nhất kể từ năm 2001”.
Phước Phạm (Theo Markit, HSBC)
|