Nhiều chỉ số đe dọa môi trường kinh doanh
Trong 10 chỉ số/lĩnh vực theo quy định của pháp luật trong vòng đời của doanh nghiệp (DN), nhiều chỉ số của Việt Nam xếp thứ hạng gần chót trong hàng trăm quốc gia được Ngân hàng Thế giới (WB) khảo sát.
Ngành điện cần nhiều cải thiện về chất lượng, chi phí... Ảnh: Hải Nguyễn
|
Theo báo cáo của hai chuyên gia đến từ WB là Nadine Abi Chakra và Joanna Nasr tại hội thảo về triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ diễn ra ngày 12.3 tại Hà Nội, việc cấp điện cho các DN tại VN năm 2014 chỉ xếp thứ 135/189 quốc gia được khảo sát, thậm chí thua cả Lào (128). Cụ thể, số thủ tục là 6, thời gian kéo dài đến 115 ngày và chi phí lên tới 1.432,8USD. “Chi phí để được cấp điện ở VN rất cao so với thu nhập bình quân đầu người” - bà Joanna Nasr nhấn mạnh.
Dù chỉ là một chỉ số, nhưng tiếp cận điện năng ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Nỗ lực đơn giản hóa thủ tục và nâng cao hiệu suất là cách mà nhiều quốc gia trên thế giới đã làm để “ghi điểm” với nhà đầu tư. “Chính vì có nhiều cải thiện tích cực, thời gian WB bắt đầu thực hiện khảo sát năng lực cạnh tranh với 41 nền kinh tế, thủ tục thành lập DN trung bình là 20 ngày. Đến nay, khảo sát tại 127 quốc gia, thời gian để thực hiện việc này rút xuống chỉ còn 2 ngày” - bà Joanna Nasr cho hay.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - khẳng định: Nghị quyết số 19 của Chính phủ đặt ra mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của VN bằng cách cắt giảm chi phí, thời gian và rủi ro cho các DN. Theo đó, mục tiêu của VN sẽ nâng cao chỉ số cạnh tranh chính ngang bằng mức trung bình của khu vực.
Ông Cung cũng cho hay, hiện CIEM đang tham vấn cộng đồng DN và các hiệp hội nhằm tìm ra giải pháp chung cho những thách thức mà VN gặp phải liên quan đến môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. “Với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án “Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện”, CIEM sẽ thực hiện những chương trình hành động nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư khi bắt đầu sản xuất tại VN, cũng như phát triển các DN vừa và nhỏ nhằm tạo nhiều công ăn việc làm và tăng trưởng cho nền kinh tế” - ông Cung cho biết.
Bà Joanna Nasr cho rằng VN cần xây dựng mỗi chỉ số dựa trên những nghiên cứu điển hình để cải thiện môi trường kinh doanh. Song song đó, phải đưa ra những đánh giá cụ thể nhằm bao quát hoạt động của các lĩnh vực kinh doanh. Việt Nam cần hướng tới một lộ trình để cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí cho các DN, nâng cao chất lượng các chỉ số hiện đang kém như thương mại qua biên giới, thuế quan và tiếp cận điện.
Lê Phương
lao động
|