Đại hội VFMVF4: Năm 2015, tăng tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng và bất động sản
Việc thực thi các chính sách mới kết hợp với giá đã giảm tới mức hợp lý đưa ngành bất động sản trở nên hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng có thể đã chạm đáy. Trên cơ sở này, VFMVF4 sẽ tăng tỷ trọng của cổ phiếu ngành ngân hàng và bất động sảntrong năm 2015.
Trong năm 2015, Quỹ đầu tư Doanh nghiệp Hàng đầu Việt Nam (VFMVF4) nhìn nhận kinh tế thế giới sẽ đối mặt với mức tăng trưởng chậm hơn bắt nguồn từ sự đình đốn của Châu Âu, suy thoái của Nhật Bản và sự tăng trưởng chậm hơn của Trung Quốc. Các vấn đề toàn cầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam và thị trường cổ phiếu trong xu hướng của dòng chảy vốn quốc tế. Tuy nhiên, VFMVF4 cho rằng sự phục hồi nhanh hơn của nền kinh tế trong nước có thể giúp thị trường vượt qua những bất ổn này.
Đại hội nhà đầu tư thường niên năm 2015 của VFMVF4 tổ chức chiều ngày 26/03/2015
|
VFMVF4 dự báo lợi nhuận và dòng tiền tốt hơn của nhóm các công ty bất động sản nhờ vào việc thực thi các chính sách mới và điều kiện thị trường tốt hơn. Nhóm vật liệu, đặc biệt là vật liệu xây dựng và hàng hóa công nghiệp sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành bất động sản và hạ tầng. Ngành ngân hàng có thể chạm đáy, thực phẩm và nước giải khát dự báo sẽ lấy lại biên lợi nhuận cao, ngành vận tải có lợi thế do giá dầu giảm. Ngược lại, các công ty liên quan đến năng lượng, dầu khí có thể đối mặt với sự nghi ngại trong ngắn hạn nhưng có thể quay lại gia tăng khi giá dầu hồi phục.
Do đó, năm 2015, VFMVF4 định hướng tăng tỷ trọng cổ phiếu với những ngành có tiềm năng tăng trưởng cao như ngân hàng, vật liệu, bất động sản, tiện ích công, vận tải,… và giảm tỷ trọng hay thực hiện hóa lợi nhuận với cổ phiếu ngành hàng hóa công nghiệp, dịch vụ tài chính, ô tô và phụ tùng, năng lượng,… Bên cạnh đó, đầu tư vào các doanh nghiệp được hưởng lợi tỷ giá, đầu tư vào cổ phiếu chuẩn bị niêm yết, quyền mua phát hành thêm hoặc chứng khoán phái sinh.
VFMVF4 trong năm 2015 sẽ theo xu hướng không hoàn toàn đầu tư hết vào cổ phiếu mà vẫn giữ tỷ trọng tiền mặt nhất định.
Không phân phối lợi nhuận do vẫn còn lỗ lũy kế
Theo bà Lương Thị Mỹ Hạnh – Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối đầu tư của VFMVF4, mặc dù trong năm 2014 đã có lãi hơn 67 tỷ đồng nhưng do quỹ vẫn còn số lỗ lũy kế gần 57 tỷ đồng nên quỹ không thực hiện phân phối lợi nhuận.
Bà Hạnh cho biết, năm 2014, tỷ trọng tiền mặt bình quân cả năm ở mức xấp xỉ 9% NAV. Tỷ trọng tiền mặt được nâng lên tối đa 20% trong giai đoạn tháng 5 để giảm bớt sức ảnh hưởng khi thị trường chịu sự tác động mạnh của sự kiện Biển Đông. Ngoài ra tiền mặt cũng được nâng lên tạm thời trong các giai đoạn thực hiện hóa lợi nhuận từ các khoản đầu tư đạt lợi nhuận kỳ vọng. Kết thúc năm 2014, quỹ có tỷ lệ tiền khả dụng là 14.2% NAV, dự trữ cho một số cơ hội đầu tư mới.
Danh mục cổ phiếu trong năm 2014 vẫn duy trì tỷ trọng cổ phiếu vốn hóa lớn chiếm gần 70% NAV. Phần lớn danh mục cổ phiếu niêm yết trên HOSE, VFMVF4 cũng không hạn chế đầu tư các cổ phiếu trên HNX hoặc UPCoM nếu các cổ phiếu thỏa mãn tiêu chí của quỹ.
Kết thúc năm 2014, VFMVF4 đạt hơn 67 tỷ đồng lợi nhuận, giá trị NAV/ccq đạt 8,976.7 đồng/ccq. Đóng góp nhiều nhất vào lợi nhuận của VFMVF4 trong năm 2014 là từ cổ phiếu thuộc ngành thiết bị và phần cứng công nghệ. Ngành này đã tăng hơn 36% trong danh mục, đem lại gần 48% lợi nhuận của quỹ. Các ngành bất động sản, bảo hiểm, thực phẩm, dệt may và tiêu dùng, dược phẩm có tăng trưởng âm và làm giảm 0.6% tăng trưởng của quỹ. Trong đó ngành dược phẩm đã thanh lý toàn bộ theo kế hoạch năm 2014.
Tháng 2, giá trị tài sản ròng của quỹ tăng trưởng 2.1% nâng NAV/ccq lên mức 9,501.7 đồng/ccq. Ngân hàng, thực phẩm và nước giải khát nằm trong top 3 đóng góp vào lợi nhuận của quỹ trong tháng. Trong ngành thực phẩm, VNM chiếm tỷ trọng lớn nhất tiếp tục duy trì sức tăng. Tính trong 2 tháng đầu năm, thị gái của VNM đã tăng 13%, gần hồi phục lại mức mất giá của cả năm 2014.
|
Duy Hoàng
|