Băn khoăn vốn pháp định với doanh nghiệp bất động sản
Vốn pháp định của DN kinh doanh BĐS ở mức nào là một trong những nội dung được các DN bàn luận nhiều trong hội thảo liên quan đến nội dung này vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội.
Theo Dự thảo Nghị định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS, DN kinh doanh BĐS phải có vốn pháp định không thấp hơn 50 tỷ đồng.
“Đây là một quy định trái luật”, LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO nhìn nhận. Ông Đức viện dẫn: Khoản 1, Điều 10, Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải thành lập DN (hoặc hợp tác xã) và có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng... Vốn pháp định từ trước đến nay được giải thích trong các đạo luật là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập DN.
“Mặc dù Luật Kinh doanh BĐS quy định DN có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng thì cũng không thể hiểu là ngoài mức 20 tỷ đồng sẽ còn mức vốn pháp định khác cao hơn 20 tỷ đồng”, ông Đức nói.
Đến từ thực tiễn hoạt động kinh doanh, LS. Phan Hải Anh, Tập đoàn Vingroup nhìn nhận, việc đăng ký vốn pháp định là một phần nội dung đăng ký kinh doanh thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh, nên nếu có nhiều mức như trong Dự thảo sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng của cơ quan đăng ký kinh doanh. “Chúng tôi đề xuất chỉ đưa ra một mức vốn pháp định là 20 tỷ đồng áp dụng chung cho tất cả các DN kinh doanh BĐS”, ông Hải Anh nêu quan điểm.
Một quy định “trái luật” khác được LS. Trương Thanh Đức đưa ra là quy định DN kinh doanh dịch vụ BĐS, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập quy định tại Chương 4 của Luật Kinh doanh BĐS không yêu cầu phải có vốn pháp định. Theo LS. Đức, Khoản 1, Điều 3, Luật Kinh doanh BĐS giải thích như sau: Kinh doanh BĐS là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua BĐS; thực hiện dịch vụ môi giới BĐS; dịch vụ sàn giao dịch BĐS; dịch vụ tư vấn BĐS hoặc quản lý BĐS nhằm mục đích sinh lợi.
Như vậy, kinh doanh dịch vụ BĐS và kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS cũng là hoạt động kinh doanh BĐS và không thuộc trường hợp không cần có vốn pháp định.
Trong toàn bộ Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 cũng không có điều khoản nào quy định dịch vụ kinh doanh dịch vụ BĐS và kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS không cần vốn pháp định. Tuy yêu cầu vốn pháp định 20 tỷ đồng đối với các dịch vụ này là vô lý, nhưng muốn thay đổi thì buộc phải sửa Luật Kinh doanh BĐS, cho dù vừa mới được thông qua và chưa có hiệu lực.
LS. Đức cũng đề nghị mở rộng áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân bán, chuyển nhượng BĐS là tài sản thế chấp để thu hồi nợ, chứ không chỉ đối với các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Vì quyền nhận thế chấp và xử lý tài sản thế chấp được quy định đối với mọi đối tượng, chứ không chỉ đối với riêng các tổ chức tín dụng.
Hoàng Hà
thời báo ngân hàng
|