Thứ Hai, 02/02/2015 14:03

Thêm 7 con cá ngừ Việt lên máy bay "chu du" Nhật

Trong hai ngày 31.1 và 1.2, có 5 tàu cá ngừ đại dương (CNĐD) Bình Định đánh bắt theo công nghệ Nhật đã cập cảng Quy Nhơn. Trong đó, 4 tàu cập cảng ngày 31.1 với 100 con CNĐD, đã có 7 con (tổng 320kg) được các chuyên gia thủy sản lựa chọn, lên máy bay để dự đấu giá tại chợ cá Osaka (Nhật) vào ngày 2.2.

Công ty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) đã mua 7 con cá trên với giá 120.000 đồng/kg (cao hơn giá thị trường 20.000 đồng/con). Riêng tàu thứ 5 cập cảng ngày 1.2, với 35 con CNĐD nhưng chỉ 1 con đủ tiêu chuẩn sang Nhật, tuy nhiên không thể “một mình lên máy bay”. Tất cả số CNĐD còn lại của 5 tàu đều được BIDIFISCO mua với giá 103.000 đồng/kg.

Nỗ lực hết sức

Đây là lần thứ hai CNĐD Bình Định lên máy bay sang Nhật, sau 10 con được chọn đấu giá vào tháng 8.2014. Từ tháng 9.2014, Bình Định đã quyết định tạm dừng chọn cá xuất thẳng sang Nhật để tiếp tục trang bị, huấn luyện ngư dân thuần thục đánh bắt CNĐD theo công nghệ mới.

Các chuyên gia thủy sản Nhật Bản và Việt Nam đang thẩm định chất lượng cá ngừ đại dương tại Bình Định.

Chuyên gia thủy sản Masakazu Shoga (Công ty Kato Group - Nhật) đánh giá: “7 con cá đợt này có chất lượng khá hơn 10 con được chọn đợt trước. Ngư dân đã bắt đầu quen với công nghệ đánh bắt mới, tuy nhiên vẫn chưa tuân thủ triệt để các công đoạn theo yêu cầu. Việc thay đổi một cung cách đánh bắt không thể ngày một ngày hai. Bởi Nhật Bản phải có đến hàng trăm năm mới hình thành được công nghệ câu đạt chuẩn như lúc này. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để cùng chính quyền, ngư dân Bình Định chuyển giao thuần thục công nghệ đánh bắt hiện đại. Hãy cùng kiên nhẫn, rồi thời gian sẽ trả lời. Chất lượng CNĐD của Bình Định chắc chắn được nâng cao ngoạn mục”.

Trong khi đó, ông La Tình (chủ của 4/5 tàu trên) cho hay: “Chúng tôi đã nhận thức rõ được giá trị của việc chuyển đổi công nghệ đánh bắt. Tuy nhiên, một số anh em bạn tàu cũng chưa quen, lại bị áp lực về số lượng nên chưa tuân thủ đủ các bước câu và bảo quản cá. Tất cả phải cùng kiên nhẫn hỗ trợ nhau để hình thành một phương cách khai thác cá ngừ kiểu mới, hiệu quả hơn hẳn”.

Ông Phạm Ngọc Tuấn  - Vụ phó Vụ Khai thác, Tổng cục Thủy sản: Trong lúc các loại cá gần bờ ở Biển Đông đang suy giảm mạnh, dự án hợp tác với Nhật để nâng cao giá trị gia tăng của CNĐD đang là hy vọng để chuyển hướng khai thác hiệu quả bền vững nguồn cá Biển Đông.

Dự án dài hơi

Ngày 1.2, đại diện chính quyền tỉnh Bình Định và đoàn công tác thủy sản Nhật đã bàn thảo, ký kết Dự án xác định và phổ biến phương pháp hiện đại hóa nghề đánh bắt cá ngừ Việt Nam. Theo kế hoạch ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam, chương trình “Phát triển cơ sở hạ tầng nhằm khuyến khích gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp và phát triển kinh tế bền vững ở vùng nông thôn” được xác định là mục tiêu của chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Việc khuyến khích thúc đẩy phát triển sản xuất CNĐD tươi (nguyên con) được các nhà lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Việt Nam đề xuất và được Chính phủ Nhật Bản quan tâm đặc biệt.

Dự án thống nhất trong 2 năm (2015 - 2016) sẽ tiếp tục hỗ trợ Bình Định 25 bộ câu CNĐD công nghệ Nhật. Trong đó, mấu chốt là hệ thống “Tuna - Shocker” sẽ tạo ra sóng xung điện đặc biệt để làm tê liệt tức thì, triệt tiêu sự vẫy vùng để dễ dàng đánh bắt, giữ chất lượng thịt CNĐD. Bên cạnh đó, 9 chuyên gia Nhật tham gia dự án sẽ liên tục “bám trụ” tại Bình Định để huấn luyện sử dụng công nghệ mới đánh bắt CNĐD. Phía Bình Định sẽ có 14 người là ngư dân, cán bộ thủy sản được sang Nhật học tập phương pháp câu, kiểm tra cá và sửa chữa máy móc chuyên dụng. Các hình thức xây dựng thương hiệu CNĐD Việt Nam tại Nhật cũng đã được bàn đến.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chương trình hợp tác phát triển xuất khẩu CNĐD Bình Định đang có sự đồng thuận cao từ nhiều phía. “Tất cả đang cùng nhiệt tâm, kiên trì để dự án thành công, góp phần nâng cao thu nhập trực tiếp cho ngư dân”.

Hùng Phiên

dân việt

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu thủy sản tháng 1/2015 giảm 27% (02/02/2015)

>   Xuất khẩu thủy sản năm 2015 ước đạt 8 tỷ USD (02/02/2015)

>   Giá cà phê gật gù dù xuất khẩu yếu (31/01/2015)

>   Để Việt Nam thành "vườn rau" thế giới (30/01/2015)

>   Hoàng Anh Gia Lai ra đời sản phẩm thịt bò Úc (30/01/2015)

>   Việt Nam không bán phá giá cá tra, basa philê vào Mỹ (30/01/2015)

>   Cà phê Việt Nam: Giá giảm doanh số bán chậm lại (29/01/2015)

>   Thay động cơ chứ không chỉ bu-lông, ốc vít (29/01/2015)

>   Lộ trình liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo (28/01/2015)

>   Có thể đẩy mạnh trồng cây mắc ca tại Việt Nam (26/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật