Lộ trình liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo
Bộ Công Thương đã có Quyết định số 606/QĐ-BCT ban hành Lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015 - 2020.
Ảnh minh họa
|
3 phương thức xây dựng vùng nguyên liệu
Theo đó, thương nhân sẽ có 3 phương thức xây dựng vùng nguyên liệu bao gồm: a- Xây dựng Dự án hoặc Phương án Cánh đồng lớn theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg và Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT; b- Không xây dựng Dự án hoặc Phương án Cánh đồng lớn mà chỉ ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo với hộ nông dân trồng lúa hoặc đại diện của nông dân theo quy định; c- Xây dựng vùng nguyên liệu thuộc quyền quản lý, sử dụng của thương nhân trên diện tích đất sản xuất lúa được Nhà nước giao, cho thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc thuê đất của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân để sản xuất lúa theo quy định của pháp luật về đất đai.
Việc xây dựng vùng nguyên liệu trên phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định.
Sau khi kết thúc mỗi vụ sản xuất, Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương (qua Cục Xuất nhập khẩu), UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam tình hình, kết quả xây dựng vùng nguyên liệu và mua thóc, gạo từ vùng nguyên liệu trên địa bàn và của từng thương nhân có vùng nguyên liệu trên địa bàn.
Quy mô vùng nguyên liệu của thương nhân
Quy mô vùng nguyên liệu của thương nhân được phân loại và xác định theo tiêu chí sau: Thương nhân có thành tích xuất khẩu gạo dưới 50.000 tấn gạo/năm thì quy mô vùng nguyên liệu năm đầu tiên là 500 ha; từ năm thứ 2 trở đi mỗi năm tăng thêm 300 ha.
Nếu thương nhân có thành tích xuất khẩu gạo từ 50.000 - 100.000 tấn gạo/năm, quy mô vùng nguyên liệu năm đầu tiên là 800 ha; từ năm thứ 2 trở đi mỗi năm tăng thêm 500 ha.
Trường hợp thương nhân có thành tích xuất khẩu gạo từ trên 100.000 - 200.000 tấn gạo/năm, quy mô vùng nguyên liệu năm đầu tiên là 1.200 ha; từ năm thứ 2 trở đi mỗi năm tăng thêm 800 ha. Và với thương nhân có thành tích xuất khẩu gạo từ trên 200.000 tấn gạo/năm thì quy mô vùng nguyên liệu năm đầu tiên là 2.000 ha; từ năm thứ 2 trở đi mỗi năm tăng thêm 1.500 ha.
Đối với thương nhân mới tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo, chưa có thành tích xuất khẩu thì thực hiện theo mức quy định như đối với thương nhân xuất khẩu gạo dưới 50.000 tấn gạo/năm. Thành tích xuất khẩu gạo trong 3 năm đầu của thương nhân mới tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương xem xét, xác định lại quy mô vùng nguyên liệu của thương nhân theo quy định.
Quyết định cũng nêu rõ, quy mô ban đầu và lộ trình tăng dần quy mô vùng nguyên liệu của thương nhân giai đoạn 2015 - 2020 được xác định trên cơ sở mức bình quân thành tích xuất khẩu gạo của thương nhân trong 3 năm, từ năm 2011 đến năm 2013.
Chính sách với thương nhân
Ngoài các chính sách quy định tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, 41/2010/NĐ-CP; Quyết định 62/2013/QĐ-TTg, 68/2013/QĐ-TTg; thương nhân xây dựng vùng nguyên liệu còn được xem xét hỗ trợ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu gạo; tham gia các Đoàn giao thương, xúc tiến thương mại về gạo trong nước và nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức...
Bên cạnh đó, thương nhân xây dựng vùng nguyên liệu được hỗ trợ chi phí tham gia bảo hiểm nông nghiệp theo chính sách hiện hành của Nhà nước.
Thương nhân được vay vốn, hỗ trợ lãi suất khi vay vốn để đầu tư ứng trước tiền mua thóc giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các khoản đầu tư khác phục vụ sản xuất lúa trong vùng nguyên liệu; mua và tạm trữ thóc, gạo hàng hóa thu hoạch từ vùng nguyên liệu theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2015.
Vân Trang
chính phủ
|