Thương nhân xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu
Trong thời gian tới, thương nhân xuất khẩu phải có vùng nguyên liệu tương ứng với lượng gạo xuất khẩu trước đó.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: NH
|
Đây là một những những quy định được Bộ Công Thương đưa ra trong Quyết định mới ban hành về lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo của thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo giai đoạn 2015-2020.
Mục đích của quy định này là chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích giữa thương nhân với nông dân, gắn kết lợi ích với trách nhiệm các bên trong quan hệ liên kết.
Quyết định có hiệu lực từ 1-3-2015.
Theo quyết định, quy mô tối thiểu ban đầu và lộ trình tối thiểu tăng dần vùng nguyên liệu của thương nhân giai đoạn 2015-2020 được Bộ Công Thương xác định dựa trên lượng gạo xuất khẩu trong giai đoạn 2011-2013 của từng thương nhân.
Đối với những thương nhân xuất khẩu gạo dưới 50.000 tấn/năm, trong năm đầu tiên phải xây dựng vùng nguyên liệu là 500 héc ta, từ năm thứ hai trở sẽ tăng thêm 300 héc ta mỗi năm. Thương nhân có lượng gạo xuất khẩu từ 50.000 đến dưới 100.000 tấn gạo/năm, năm đầu làm 800 héc ta, những năm sau mỗi năm tăng thêm 500 héc ta.
Với những thương nhân xuất khẩu từ trên 100.000 đến dưới 200.000 tấn/năm, năm đầu làm 1.200 héc ta, những năm sau mỗi năm tăng thêm 800 héc ta. Còn thương nhân xuất khẩu từ 200.000 tấn/năm, năm đầu làm 2.000 héc ta và những năm sau tăng thêm 1.500 héc ta.
Trong quyết định này, Bộ Công Thương cũng đưa ra ba phương thức xây dựng vùng nguyên liệu để thương nhân lựa chọn sao cho phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp mình. Theo đó, doanh nghiệp có thể xây dựng dự án hoặc phương án cánh đồng lớn, thứ hai là không xây dựng dự án hoặc phương án cánh đồng lớn mà chỉ ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo với hộ nông dân hoặc đại diện của nông dân trồng lúa. Thứ ba là xây dựng vùng nguyên liệu thuộc quyền quản lý, sử dụng của thương nhân trên diện tích đất sản xuất lúa được Nhà nước giao, cho thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân để sản xuất lúa.
Ông Hoàng Lâm, Giám đốc công ty cổ phần Hưng Lâm, An Giang, cho biết, từ nhiều tháng nay, công ty ông đang làm những thủ tục cần thiết để phát triển cánh đồng lớn. Song, điều khó khăn nhất của doanh nghiệp là để đầu tư vào đây phải có nguồn vốn ban đầu khá lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng có để làm.
Tuy nhiên, theo phía doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cũng may là trong quyết định nói trên của Bộ Công Thương không làm khó cho doanh nghiệp vì đưa ra nhiều phương án cho doanh nghiệp lựa chọn. Vì thế, đối với những doanh nghiệp không đủ nguồn lực tài chính để làm cánh đồng lớn sẽ chọn phương án ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã. Cách này, về lý thuyết có ưu điểm là doanh nghiệp sẽ không lo bị thương lái mua hết lúa vì đã có hợp đồng mua bán với nông dân rồi.
Ngọc Hùng
tbktsg
|