Giá cà phê gật gù dù xuất khẩu yếu
Giá cà phê tăng giảm bất thường còn hơn thời tiết mưa nắng thất thường. Trong cuộc chiến tranh tiền tệ, các nước xuất khẩu nguyên liệu nghèo đang oằn mình chịu trận. Người có hàng ở nước ta đang giữ hàng cố thủ, tình thế hình như vẫn chưa xoay chuyển đúng ý nguyện.
Giá hàng hóa oằn mình chịu trận
Những biến động kinh tế-chính trị trên thế giới theo hướng bất ổn trong thời gian qua làm các nước quay lại lo cho phần mình nhiều hơn. Lấy tiền tệ làm vũ khí, giá hàng hóa trong tháng một phen chao đảo và người chịu trận là các nước xuất khẩu hàng hóa.
Biểu đồ 1: Diễn biến chỉ số đồng đô la Mỹ (nguồn: trandingcharts.com)
|
Khối châu Âu sử dụng đồng euro (eurozone) đã quyết định tung gói kích cầu như hình thức “nới lỏng định lượng” (quantitative easing) của Mỹ trước đây, mỗi tháng bơm ra thị trường 60 tỉ euro, dự kiến kéo dài đến tháng 9-2016. Đứng trên tương quan lực lượng, chỉ số đồng đô la Mỹ càng vững, nay đang giao dịch quanh mức 95 điểm so với 83 điểm ở đầu tháng 9-2014 (xin xem biểu đồ trên). Dù vậy, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa kỳ (Fed) Janet Yellen trong tuần công bố không tăng lãi suất ngân hàng cho đến khi nền kinh tế nước này thực sự vững. Như vậy, lãi suất đồng đô la Mỹ đã qua 6 năm với mức bằng 0%!
Trong khi đó, dính vào vụ Ukraina, dưới sức ép trừng phạt kinh tế và tài chính, đồng rúp mất giá trầm trọng, cộng với giá dầu thô giảm sâu. Giá dầu thô giao dịch trên sàn kỳ hạn New York đang quanh mức 45 đô la/thùng, mất 50% giá trị so với giá đầu tháng 9-2014. Để giữ giá trị đồng rúp và kéo mặt bằng giá hàng hóa lên, đặc biệt với hy vọng giá dầu tăng lại để thoát nguy, Nga đã mua mạnh vàng, giúp giá kim loại quý này tăng mạnh trong thời gian qua nhưng vẫn chưa kéo nổi giá dầu thô và một số hàng hóa khác.
Biểu đồ 2: Giá đóng cửa sàn robusta Ice châu Âu tháng 1-2015 (tác giả tổng hợp)
|
Giá cà phê nội địa cầm cự ở mức cao
Tháng thứ tư của niên vụ cà phê 2014-15 qua nhanh. Đấy cũng là giai đoạn của tháng trước Tết Nguyên đán. Đối với các năm trước đây, đây là thời gian mua bán cà phê và hoạt động xuất khẩu nhộn nhịp. Do tranh bán, giá trong thời gian này tại các năm trước thường bị đạp xuống rất thấp trước sức ép bán ra: một mặt các công ty kinh doanh muốn tăng cường xuất khẩu để lấy doanh số thưởng Tết, mặt khác nông dân cần tiền chi tiêu mừng xuân, chi phí cho đợt tưới những ngày cận Tết, có khi phải bán để trả nợ đáo hạn ngân hàng…
Trường hợp năm nay không phải như thế. Giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên dao động trong khung 40 triệu đồng/tấn. Nếu như đầu tháng 1-2015 giá chỉ 38 triệu thì giữa tháng chạm mức 41 triệu đồng/tấn và dịu xuống lại ở những ngày cuối tháng ở mức 39 triệu đồng/tấn.
Đường đi của giá cà phê trên thị trường nội địa giống hệt sàn kỳ hạn robusta Ice tại châu Âu. Nếu như ngày đầu năm giá giao dịch trên sàn chỉ 1.864 đô la/tấn thì đến ngày 15-1 lên mức 1.999 đô la/tấn, tăng 134 đô la/tấn, đấy cũng chính là mức thấp và cao nhất của giá kỳ hạn robusta trong tháng. Càng về cuối tháng, giá càng chao đảo theo hướng dịu dần. Phiên giao dịch cuối tháng khuya hôm qua 30-1, giá kỳ hạn chốt mức 1.925 đô la/tấn, cả tháng tăng 61 đô la/tấn nhưng lại giảm so với đỉnh đến 73 đô la/tấn (xin xem biểu đồ).
Dù có lúc chạm 41 triệu đồng/tấn, mua bán giao hàng vẫn chưa kích lên được. Nếu dựa trên tỉ giá thời điểm, mức ấy đã đạt chừng 1.920 đô la/tấn, chỉ cách giá đỉnh của sàn trong tháng là trừ 80 đô la/tấn chưa tính chi phí tài chính, vận tải, hao hụt, kho bãi…
Giá thành đưa hàng về kho tại quanh TPHCM, phải mất 100 đô la/tấn, tức cộng 20 đô la/tấn so với giá niêm yết của sàn kỳ hạn.
Bán ra yếu, chưa xoay chuyển được tình thế
Tính như thế để thấy rằng giá nội địa vẫn rất cao nếu ai “cả gan” chào bán dưới mức ấy vì rủi ro không thể mua nổi hàng và thua lỗ. Thế nhưng, ở những ngày cuối tháng, thị trường đang trả mức từ trừ 20 đô la đến 50 đô la/tấn cho loại 2,5% đen vỡ.
Chính yếu tố “giá nội trội hơn giá ngoại” ấy làm Việt Nam ước chỉ xuất khẩu chừng 120.000 tấn cà phê trong tháng 1-2015, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp so với kỳ vọng của thị trường là 150.000 tấn. Như vậy, trong 4 tháng đầu niên vụ 2014-2015 bắt đầu từ tháng 10-2014, cả nước xuất khẩu đạt 415.200 tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê chỉnh giảm lượng xuất khẩu cà phê trong tháng 12-2014 vừa qua, chỉ đạt 115.400 tấn, giảm so với ước báo trước đó là 120.000 tấn.
Có dự đoán cho rằng lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 2-2015 có thể sẽ ít hơn nữa do trùng với tháng Tết Âm lịch Ất Mùi của Việt Nam vì toàn hệ thống mua bán đóng cửa mừng Tết.
Hiện tượng xuất khẩu giảm trong ba tháng liên tiếp tính từ tháng 12-2014 đến tháng 2-2015 cho thấy rằng tâm lý giữ hàng để cầm cự trước sức ép đòi mua giá rẻ rất mạnh. Tuy nhiên không phải là không có lý khi tin Brazil lại tiếp tục khô hạn, có thể gây thiếu hụt cà phê trong thời gian tới.
Khối lượng cà phê vụ mới hầu như vẫn chưa suy suyển vì hàng xuất khẩu hai tháng đầu vụ 10 và 11-2014 hầu hết là hàng tồn kho vụ cũ. “Lửa thử vàng”… nếu như bên nhập khẩu cần hàng thực sự, họ sẽ phải nâng giá để mua. Trong trường hợp ngược lại, đua nhau bán để vỡ thế trận “ghim hàng” nhưng không giữ được giá, bấy giờ phải xem lại thế giới có thật thiếu hàng không.
Nguyễn Quang Bình
tbktsg
|