Để Việt Nam thành "vườn rau" thế giới
Năm 2014, XK rau quả của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD và dự báo sẽ vượt mốc 2 tỷ USD trong 2-3 năm tới. Tuy nhiên để Việt Nam trở thành "vườn rau" thế giới cần khẩn trương đầu tư khoa học công nghệ đích đáng phát triển ngành rau quả nhanh, mạnh hơn.
Hiện trạng
Rau: Nước ta có diện tích gieo trồng rau các loại khoảng 850 ngàn ha, năng suất tính bình quân cho các loại rau nói chung cả nước mới đạt khoảng gần 18 tấn/ha; sản lượng rau các loại cũng ước đạt 15 triệu tấn.
Diện tích rau được phân bổ đều khắp các vùng trong cả nước. Những tỉnh có năng suất đạt cao nhất là Lâm Đồng, Đăk Lăk (Tây Nguyên), Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng (ĐBSH), Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang (ĐBSCL), TP Hồ Chí Minh (ĐNB), năng suất rau trung bình đạt trên 200 tạ/ha.
Hoa, cây cảnh: Năm 2013, cả nước có khoảng 18.700 ha hoa, cây cảnh, trong đó các tỉnh miền Bắc có 9.500 ha, miền Nam có khoảng 9.200 ha, thu nhập bình quân trồng hoa, cây cảnh trên cả nước là 250 triệu đồng/ha/năm, nhiều mô hình đạt 700-800 triệu đ/ha/năm.
Các vùng trồng hoa, cây cảnh chủ yếu tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng, Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Nam Trực (Nam Định), Đà Lạt (Lâm Đồng), TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Tiền Giang...
Cây ăn quả: Diện tích tăng khá nhanh, từ 696,6 ngàn ha năm 2001 tăng lên 781,4 ngàn ha năm 2012, tốc độ tăng 2001-2012 là 2,3%/năm.
Năm 2013, diện tích cây ăn quả các loại toàn quốc là trên 800 ngàn ha. Vùng ĐBSCL có diện tích và sản lượng lớn nhất cả nước, tỷ suất hàng hóa cao nhất với gần 70% sản lượng được bán ra trên thị trường; tiếp đến vùng trung du miền núi phía Bắc; Tây Nguyên.
Sản lượng quả năm 2012 đạt 7,488 triệu tấn, trong đó nhiều nhất là chuối 1,796 triệu tấn, xoài 776,3 ngàn tấn, cam quýt 690,3 ngàn tấn, vải, chôm chôm 649,3 ngàn tấn, nhãn 545,3 ngàn tấn, dứa 571,6 ngàn tấn, bòng bưởi 443,6 ngàn tấn. Bình quân sản lượng quả trên đầu người đạt 84,3 kg/năm.
Năm 2013, xuất khẩu rau quả đạt trên 1,09 tỷ USD, riêng quả các loại đạt 0,951 tỷ USD. Năm 2014, xuất khẩu rau quả tăng trưởng khá nhanh và đạt 1,47 tỷ USD, tăng gần 40% so với năm 2013, trong đó gần 90% là trái cây.
Tuy vậy, ngành hàng rau, hoa quả vẫn còn nhiều hạn chế như: Vùng sản xuất mặc dù đã được quy hoạch song vẫn chưa rõ nét, quy mô sản xuất dạng nông hộ, nhỏ lẻ, chủng loại không ổn định, chất lượng không đồng đều, quản lý tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm còn quá nhiều bất cập... chưa tạo được động lực đột phá.
Chúng ta đã ban hành tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) nhưng đến nay mới chỉ có trên 10.000/800.000 ha cây ăn quả đang áp dụng và có chứng nhận VietGAP và các tiêu chuẩn GAP khác.
Khâu yếu nhất của ngành hàng rau, hoa, quả Việt Nam nói riêng và nông sản nói chung vẫn là chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Chế biến rau xuất khẩu
|
Chế biến tinh, ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao gần như mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, sản phẩm chủ yếu là xuất tươi, xuất thô, trong khi công nghệ bảo quản, bao gói, công nghệ xử lý sau thu hoạch còn thô sơ, lạc hậu. Do công nghệ sau thu hoạch và bảo quản kém mà chúng ta chưa tạo ra được thương hiệu tầm cỡ quốc tế cho những sản phẩm vốn chỉ có Việt Nam mới có lợi thế.
Có tới trên 80% hạt giống rau các loại, chủ yếu là rau cao cấp hiện có trong sản xuất chúng ta phải nhập nội từ Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản. Lĩnh vực giống hoa tương tự như vậy; cây ăn quả cũng không hơn gì, quản lý sản xuất giống, cây đầu dòng, chọn tạo, nhân dòng sạch bệnh… là những vấn đề chúng ta cần phải tập trung giải quyết.
|
Để là "vườn rau, quả" thế giới
Tiềm năng: Là một nước trải dài từ Vĩ tuyến 8o27’ bắc đến 23o23’ bắc (dài 15 vĩ độ); do đa dạng về sinh thái nên chủng loại cây ăn quả của nước ta rất phong phú, có tới trên 30 loại cây ăn quả khác nhau, thuộc 3 nhóm là: cây ăn quả nhiệt đới (chuối, dứa, xoài…), á nhiệt đới (cam, quýt, vải, nhãn…) và ôn đới (mận, lê…), trong đó có 11 loại cây ăn quả có lợi thế.
Một trong các nhóm cây ăn quả lớn nhất và phát triển mạnh nhất là nhãn, vải và chôm chôm. Diện tích của các loại cây này chiếm 26% tổng diện tích cây ăn quả. Tiếp theo đó là chuối, chiếm khoảng 19%.
Theo quy hoạch và kế hoạch phát triển cây ăn quả toàn quốc được Bộ NN-PTNT trình Chính phủ phê duyệt, diện tích cây ăn quả đến năm 2010 đạt 1 triệu ha, tầm nhìn năm 2020 khoảng 1,3 triệu ha.
Bố trí chủ yếu ở trung du miền núi phía Bắc, ĐBSCL, Đông Nam Bộ, ĐBSH và một số vùng khác có đủ điều kiện.
Như vậy, theo quy hoạch, riêng về diện tích cây ăn quả các loại thì chúng ta đang không đạt được diện tích đã quy hoạch theo lộ trình, nghĩa là còn nhiều đất để “dụng võ” cho ngành hàng này.
Về thị trường: Trái cây Việt Nam đã có mặt ở hơn 50 nước trên thế giới và hầu hết các châu lục, đặc biệt khi các hiệp định FTA và TPP được ký kết, cơ hội mở ra cho rau quả Việt Nam cực lớn.
Việt Nam có thể trồng rau ở nhiều vùng và nhiều vụ trong năm, phát triển mạnh rau quả để Việt Nam trở thành “vườn rau” của thế giới và trở thành “bếp ăn” của thế giới là hết sức khả thi.
Chúng ta có đầy đủ các chủng loại rau, từ rau nhiệt đới cho đến ôn đới. Các vùng cao nguyên như Đà Lạt, Mộc Châu, Sa Pa, vùng núi Tây Bắc có điều kiện lý tưởng để phát triển rau, hoa ôn đới. Miền Bắc với vụ đông rất thuận lợi để trồng rau cận ôn đới với đầy đủ chủng loại rau củ quả, chi phí không cao, sâu bệnh ít và tiêu tốn ít nguồn tài nguyên.
Phát triển rau, hoa sẽ là cơ hội và điều kiện để chúng ta đẩy nhanh một nền nông nghiệp công nghệ cao. Trồng rau công nghệ cao ở Việt Nam chắc chắn chi phí năng lượng cho sấy, cho hệ thống nhà lưới, nhà kính sẽ thấp hơn nhiều so với các nước: Rau, hoa, quả có thể giúp nông nghiệp Việt Nam vươn lên vị thế mới, với việc hình thành những “xí nghiệp” nông nghiệp công nghệ cao diện tích hàng chục, thậm chí hàng trăm ha và giá trị thu nhập hàng tỷ đồng/ha.
Bằng chứng dễ thấy là giá trị xuất khẩu thu về từ rau quả đã nhanh chóng vượt qua mốc 1 tỷ USD năm 2013 và năm 2014 đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD.
Giá trị xuất khẩu thu về từ rau quả đã nhanh chóng vượt qua mốc 1 tỷ USD năm 2013 và năm 2014 đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD
|
Hoàn toàn có cơ sở để dự báo giá trị xuất khẩu rau, hoa quả của Việt Nam sẽ đạt ngưỡng hơn 2 tỷ USD trong thời gian 2-3 năm tới, khi chúng ta mở được cửa vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, và một thị trường rất khả quan cho rau quả Việt đó là nước Nga.
Giá trị xuất khẩu sẽ tăng nhanh khi chúng ta mở được cửa thị trường vào các khu vực khó tính và có rào cản kỹ thuật, tổ chức sản xuất với các vùng tập trung theo quy trình kỹ thuật, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của họ, và chính điều này sẽ nâng cao được trình độ và nhận thức về sản xuất an toàn cho nông dân.
|
Giải pháp trước mắt và lâu dài
Rà soát và điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt với 11 loại cây ăn quả chủ lực và lợi thế đã được xác định để đảm bảo cân đối với khả năng tiêu thụ, tránh việc mở rộng tự phát và phát triển nóng vượt tầm kiểm soát. Quy hoạch vùng rau, rau an toàn, hoa cây cảnh gắn với phát triển và ứng dụng công nghệ cao.
Đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa khó tưới sang trồng cây ăn quả chủ lực, có thị trường, hoặc chuyển trồng các loại rau quả phục vụ chế biến.
Đánh giá giống, chất lượng giống và các cây đầu dòng, quản lý tốt cây giống, nguồn gen quý để chọn lọc, lai tạo giống tốt cung cấp cho sản xuất, nhất là việc cải tạo vườn tạp, thay thế các giống già cỗi, năng suất sụt giảm. Tổ chức sản xuất và liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP, tiến tới xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa cho các sản phẩm rau, quả chủ lực của Việt Nam.
Thực hiện tốt các cam kết với ASEAN, WTO, các Hiệp định bảo vệ và kiểm dịch thực vật đối với các nước nhập khẩu nông sản. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giữ vững các thị trường lớn, truyền thống và mở rộng các thị trường Đông Âu, Trung Đông, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ… Phát triển, mở rộng thị trường nội địa, nhất là các khu du lịch, các đô thị, khu dân cư lớn.
Xúc tiến và kêu gọi đầu tư trong nước và liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để xây dựng các khu công nghệ cao cho sản xuất và chế biến, bảo quản, nhất là việc bảo quản rau, quả tươi, đầu tư hạ tầng cho các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu.
Thúc đẩy dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất, khuyến khích nông dân góp giá trị đất để tham gia cổ phần vào các doanh nghiệp sản xuất - tiêu thụ. Cụ thể hóa và ưu tiên lồng ghép các nguồn kinh phí để thực hiện các chính sách đã được ban hành: Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg về áp dụng GAP trong sản xuất; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn; Nghị định 210/2013/NĐ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Trần Xuân Định
nông nghiệp Việt Nam
|