Muốn tham gia dự án P.P.P, nhà đầu tư phải có trên 15% vốn
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư ở các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (P.P.P) không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư. Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỉ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu được xác định theo nguyên tắc lũy tiến từng phần, theo nghị định về hợp tác công – tư (P.P.P) mới được Chính phủ ban hành.
Việc ban hành nghị định PPP mới được doanh nghiệp kỳ vọng mở ra hướng đi mới cho việc hợp tác đầu tư giữa nhà nước và tư nhân - Ảnh: Anh Quân
|
Theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (P.P.P) được Chính phủ ban hành hôm 14-2, rất nhiều lĩnh vực được chọn để đầu tư theo hình thức P.P.P gồm giao thông, điện, y tế, giáo dục ....
Nghị định quy định rõ, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện dự án theo thỏa thuận tại hợp đồng. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư.
Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỉ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu được xác định theo nguyên tắc lũy tiến từng phần. Trong đó, đối với phần vốn đến 1.500 tỉ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 15% của phần vốn này; đối với phần vốn trên 1.500 tỉ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10% của phần vốn này.
Nghị định này cũng quy định rõ vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Vốn của nhà nước tham gia thực hiện dự án được sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình đối với dự án có hoạt động kinh doanh, thu phí từ người sử dụng nhưng khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận.
Phần vốn của nhà nước cũng được dùng để hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư. Vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu.
Về ưu đãi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi đầu tư theo hình thức PPP được tạo điều kiện thuận lợi để thu đúng, thu đủ giá và phí dịch vụ.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về thuế xuất, nhập khẩu hàng hóa để thực hiện dự án. Chưa hết, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được nhà nước giao hoặc được miễn, giảm tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án.
Căn cứ vào tính chất và yêu cầu của từng dự án, Chính phủ chỉ định cơ quan có thẩm quyền bảo lãnh cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm dịch vụ và các nghĩa vụ hợp đồng khác cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Một ưu đãi nữa là nhà đầu tư doanh nghiệp dự án được thế chấp tài sản, quyền sử dụng đất và quyền kinh doanh công trình dự án tại bên cho vay theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về dân sự. Thời gian thế chấp không vượt quá thời hạn hợp đồng dự án, trừ trường hợp có thỏa thuận khác tại hợp đồng dự án.
Ngoài ra, nhà đầu tư được hưởng một số ưu đãi khác như được mua ngoại tệ, được bảo đảm cung cấp các dịch vụ công cộng, bảo đảm về quyền sở hữu tài sản…
Nghị định cũng quy định rõ phương hướng giải quyết nếu xảy ra tranh chấp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án và tranh chấp giữa doanh nghiệp dự án với các tổ chức kinh tế tham gia thực hiện dự án.
Đây được coi là những điểm mới và có sự quy định rõ ràng để nhà đầu tư có cơ sở thực hiện dự án. Trước đây, Quyết định số 71/2010/QĐ.TTg về quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP được các nhà đầu tư đánh giá là chưa đủ hành lang pháp lý và còn nhiều điểm chưa rõ ràng.
Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP sẽ có hiệu lực từ ngày 10-4. Sau khi nghị định PPP mới có hiệu lực các nghị định 108/2009/NĐ- CP về đầu tư theo hình thức BOT, BTO và BT; nghị định số 24/2011/NĐ-CP sủa đổi bổ sung một số điều của nghị định 108/2009 và Quyết định số 71/2010/QĐ.TTg về quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức công – tư sẽ không còn hiệu lực.
Lê Anh
tbktsg
|