Cách nhau chỉ một giấc mơ
Hai mươi năm trước Phú Mỹ Hưng bắt đầu được khởi công xây dựng. Lúc đó ít người Sài Gòn biết về khu đô thị mới này, bởi nó ở phía nam thành phố, một vùng lầy trũng ngập nước triều, kênh rạch chằng chịt. Ngày nắng hơi phèn bốc lên cháy da, ngày mưa mờ mịt đi cạnh nhau không nhìn rõ mặt. Những mái lá nghèo, những cây cầu dừa cầu tre lắc lẻo, “đám lá tối trời” trải dài theo kinh rạch ngút mắt không lọt nổi một tia nắng giữa trưa… Cách trung tâm Sài Gòn - chợ Bến Thành khoảng 6,7 cây số thôi mà chỉ cần đi qua Kinh Tẻ ta như lọt vào một thế giới khác, từ nơi đây nhìn về quầng sáng rực lên phía trung tâm thành phố là cả một giấc mơ.
Chỉ trong vòng gần mười năm hình hài của một thành phố mới đã hiện lên rõ nét. Đầu tiên là con đường chính đông - tây thênh thang mười mấy làn xe. Trên dải phân cách những hàng cây xanh được trồng cùng lúc khai sinh con đường đã tỏa bóng mát. Một bên đường thi thoảng có những hồ nhỏ đầy hoa sen hoa súng, vốn là những đoạn còn lại của con rạch dài trước đây, được nạo vét lại, trồng cỏ trên bờ thả cá dưới hồ. Ngày nghỉ nhiều người đến đây, thả câu ngả mình trên cỏ, nghe cá đớp mồi mà chẳng quan tâm đến việc con cá nào đang cắn mồi kéo chiếc cần câu.
Lang thang trên những con đường, những khu phố hay ngồi lặng lẽ trong một quán cà phê, quán bar ở Phú Mỹ Hưng, bạn có thể cảm nhận được sự đa dạng là yếu tố đặc trưng văn hóa ở đây. Đa dạng trong thành phần cư dân đến từ nhiều nơi trong và ngoài nước, đa dạng trong giao tiếp, trong giáo dục, trong ngành nghề, trong ẩm thực, trong các lễ hội hoành tráng nhưng vẫn mang tính nhân văn và truyền thống. Với sự đa dạng văn hóa, Phú Mỹ Hưng thực sự trở thành một trung tâm văn hóa, là địa chỉ kết nối giao lưu của nhiều nền văn hóa khác nhau.
Cảnh quan đô thị với những không gian công cộng thiết kế, xây dựng mang vẻ đẹp giản dị mà tiện lợi là một yếu tố thu hút những người trẻ đến đây tổ chức những sinh hoạt cộng đồng. Giữa khung cảnh một bên là những tòa nhà nhiều màu sắc kiểu dáng rất hiện đại với bên kia vẫn là dòng sông nước lặng lờ xanh in bóng dừa nước, một bên là những quán cà phê quán bar quán ăn với bảng quảng cáo bằng nhiều ngôn ngữ và bên kia thấp thoáng chiếc ghe tung chài mỗi sớm, làn khói bếp mong manh mỗi chiều… Sự tương phản này như một tác phẩm của “nghệ thuật sắp đặt”, vẻ lộng lẫy không làm lu mờ mà làm nét đẹp đơn sơ giản dị nổi bật hơn lên. Sống ở Phú Mỹ Hưng người ta cảm nhận rõ ràng giá trị của môi trường tự nhiên bởi nó làm cho môi trường nhân tạo trở nên đáng sống và sống đẹp.
Có lẽ hiểu được điều đó nên đi trên những con đường, qua những tòa nhà sang trọng có khi ta bắt gặp một vài cảnh quan thôn dã như vườn chuối, dòng kinh cây cầu, khu vườn hoa lá đơn sơ, ngôi nhà gỗ mái ngói cổ xưa… mà những người thiết kế đã cố gắng “phục dựng” lại. Trong sự đa dạng văn hóa của Phú Mỹ Hưng hiện tại, sự hiện diện của văn hóa truyền thống là một điều đáng quý, là một nét độc đáo trong bức tranh văn hóa đa dạng của khu đô thị này. Chính điều đó làm nên một Phú Mỹ Hưng “như bên Tây” nhưng vẫn là một Phú Mỹ Hưng của Sài Gòn, của Việt Nam. Nhiều năm trước trong chúng ta mấy ai có thể hình dung ra một đô thị văn minh hiện đại như thế mọc lên giữa vùng hoang hóa ngoại ô Sài Gòn hoa lệ? Còn giờ đây, giữa những vùng sâu vùng xa và những khu đô thị mới như thế này cũng chỉ cách nhau một giấc mơ…
Mong lắm thay ngày giấc mơ đó trở thành hiện thực.
Nguyễn Thị Hậu
lao động
|