Môi giới địa ốc, khi “Tây” hết thiêng
Tại nhiều dự án, người ta không còn thấy tên tuổi của các doanh nghiệp tiếp thị nước ngoài...
Thị phần môi giới địa ốc đang dần dịch chuyển từ những "ông Tây" sang các "cò" trong nước.
Buổi tiệc tất niên khá hoành tráng của một doanh nghiệp môi giới bất động sản gần đây đã ít nhiều lột tả được bức tranh đang sáng hơn của thị trường bất động sản.
Doanh nghiệp này cho biết đã thực hiện thành công hơn 500 giao dịch trong năm 2014, gấp 3 lần của năm trước đó.
Thế nhưng, đâu đó vẫn có những doanh nghiệp từng nổi như cồn trong lĩnh vực tiếp thị, môi giới dự án lại phải ngậm ngùi đón một cái Tết kém vui.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2014, số lượng giao dịch bất động sản tại hai thành phố lớn nhất nước đạt xấp xỉ 22 nghìn sản phẩm, trong đó Hà Nội có khoảng 11.500 giao dịch thành công, gấp hơn hai lần năm 2013, trong khi Tp.HCM đạt khoảng 10.400 giao dịch thành công, tăng 30% so với năm trước đó.
Cũng chính nhờ giao dịch tăng mạnh nên lượng hàng tồn kho đã giảm đáng kể, khi mà tổng giá trị tồn kho bất động sản đến cuối năm 2014 chỉ còn khoảng 73.889 tỷ đồng, giảm 20.569 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2013.
Còn nếu so với đầu 2013, tổng giá trị tồn kho bất động sản đã giảm hơn 54.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 40%.
Thanh khoản thị trường tăng nhanh, không ít người sẽ nghĩ tới những đóng góp nhất định của một số doanh nghiệp môi giới, tiếp thị bất động sản, đặc biệt là những doanh nghiệp nước ngoài như CBRE, Savills, Cushman & Wakefield, Knight Frank, Collier…
Tuy nhiên thực tế lại đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại.
Dẫu rằng, không thể phủ nhận mấy năm trước, hoạt động bán hàng của những “ông Tây” chiếm gần như đại đa số thị phần môi giới, tiếp thị dự án.
Tại nhiều dự án bất động sản lớn ở Hà Nội, người ta không còn thấy tên tuổi của các doanh nghiệp tiếp thị nước ngoài được treo trước cửa công trình. Báo giới cũng không còn tham dự nhiều cuộc ký kết hợp tác hay công bố “đại lý phân phối độc quyền” của các doanh nghiệp này như trước đây.
Thay vào đó, những doanh nghiệp môi giới bất động sản “100% vốn nội” lại đang ngày càng chứng tỏ khả năng bán hàng của mình. Gần đây, dễ thấy những cái tên như Đất Xanh, G5, Vic, Phú Quý Land, Hoàng Vương…xuất hiện khá dày đặc tại các dự án đình đám.
Chủ đầu tư một dự án lớn cho hay, sở dĩ các doanh nghiệp bất động sản đang có xu hướng lựa chọn doanh nghiệp trong nước đứng ra lo khâu bán hàng, là bởi phí hoa hồng thấp hơn nhiều các doanh nghiệp nước ngoài, trong khi kinh nghiệm bán hàng cũng như mạng lưới nhân viên lại không thua kém.
Bảo Anh
vneconomy
|