Ẩn số CPI
CPI của quý I/2015 vẫn là ẩn số rất khó đoán định, mặc dù thời gian đã trôi qua hơn nửa.
Khởi đầu năm 2015, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2015 giảm 0,2% so với tháng trước, mức thấp nhất trong các tháng 1 từ khi Việt Nam bắt đầu tính CPI năm 1998 trở lại đây.
Ảnh minh họa
|
Việc CPI giảm đã có hai luồng ý kiến khác nhau. Một đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, việc CPI giảm tháng thứ 3 liên tiếp tính đến nay không phải là dấu hiệu của sự giảm phát, bởi nguyên nhân chủ yếu do giá xăng, dầu, gas trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới. Minh chứng là số liệu thống kê chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2015 vẫn tăng 17,5% so với cùng kỳ…
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tháng 1 là tháng giáp Tết Nguyên đán, nên việc CPI giảm nhẹ là dấu hiệu đáng lo ngại vì chứng tỏ sức mua trên thị trường còn yếu và chưa đẩy được tổng cầu lên.
Theo TS. Cấn Văn Lực – Giám đốc Trung tâm đào tạo BIDV, CPI tháng 1 giảm chủ yếu do tác động của giá xăng dầu giảm, còn một số mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn tăng. Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố thì vẫn có tới 8/11 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, nhưng do tác động gián tiếp của việc giá xăng dầu liên tục giảm trong thời gian qua khiến các tỷ lệ tăng chỉ ở mức nhẹ, không đủ để kéo chỉ số chung tăng so với tháng trước.
Chẳng hạn, với hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm có quyền số lớn nhất vẫn thường tăng mạnh vào các tháng đầu năm - cũng chỉ tăng 0,28% so với tháng trước. Trong đó, lương thực tăng 0,03%, thực phẩm tăng 0,42% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11%.
Và kỳ vọng về mức tăng tổng cầu có lẽ phải chờ đến khi Tổng cục Thống kê công bố CPI tháng 2, tháng trọng tâm của kỳ mua sắm phục vụ cho Tết cổ truyền của dân tộc, mới biết “bản chất” của CPI? Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, CPI tháng 2, thậm chí quý I cũng không có đột biến và nếu có tăng thì cũng rất nhẹ. Lý do được TS. Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay nhiều mặt hàng ở các siêu thị lớn đã đưa ra cam kết không tăng giá.
Đơn cử như tại Hệ thống siêu thị BigC, từ ngày 30/12/2014 cho đến hết ngày 20/2/2015, siêu thị này tiến hành niêm yết giá không đổi cho tất cả mặt hàng tiêu dùng nhanh (ngoại trừ các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, bia rượu, sữa, sản phẩm từ sữa) và tất cả các sản phẩm thuộc ngành hàng vải sợi, điện máy và đồ gia dụng; chiếm hơn 90% tổng lượng hàng hóa tại siêu thị. Hay LOTTE Mart cũng cam kết khuyến mãi giá sốc cuối tuần giảm 49%, luôn có sản phẩm rẻ nhất.
Như vậy, nhiều khả năng CPI của quý I có thể phụ thuộc vào giá xăng dầu. Vào ngày 3/2 vừa qua, giá dầu đã kéo dài tín hiệu tích cực khi chuẩn WTI của Mỹ giao tháng 3 tăng 1,51 USD lên 51,08 USD/thùng, trong khi dầu Brent giao tháng 3 tăng 1,90 USD lên 56,65 USD/thùng. Nhưng hiện tại, giá dầu thô đã giảm 57% từ tháng 6 năm ngoái. Những phân tích của các tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo không mấy lạc quan về giá dầu trong ngắn hạn. Goldman Sachs dự báo giá dầu toàn cầu sẽ giảm do tồn kho sẽ tiếp tục tăng nửa đầu năm nay. Và dự đoán trong 3 tháng tới, dầu WTI tại Mỹ sẽ giao dịch tại 41 USD/thùng và dầu Brent sẽ xuống 42 USD/thùng.
Mặc dù vậy, với đặc điểm của Việt Nam có thể vẫn có bất ngờ xảy ra với CPI. Đó là người dân có tâm lý “nước tới chân mới nhảy”. Có nghĩa là cứ phải cận kề Tết thì mới đổ xô đi mua sắm. Trong khi, các siêu thị cam kết không tăng giá, nhưng với thói quen mua hàng ở các chợ nhỏ thì việc giá cả leo thang không phanh cũng rất dễ xảy ra.
Với các phân tích trên, CPI của quý I/2015 vẫn là ẩn số rất khó đoán định, mặc dù thời gian đã trôi qua hơn nửa.
Chí Kiên
thời báo ngân hàng
|