Thứ Bảy, 07/02/2015 15:11

Tọa đàm về Hội nhập quốc tế: Tư duy 600 triệu dân và 3000 tỷ USD

Trong bối cảnh nước ta đang tham gia đàm phán hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và cuối năm nay Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đi vào cuộc sống, nhu cầu cấp thiết về tìm hiểu thông tin quốc tế, những bước chuẩn bị của các nước trong khu vực và chính chúng ta về hội nhập là vô cùng cần thiết đối với các nhà quản lý cũng như doanh nghiệp.

 

Toàn cảnh phiên tọa đàm

Cuộc Tọa đàm “Hội nhập quốc tế- một số vấn đề đặt ra đối với nước ta từ 2015” đã được Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND TP.Hồ Chí Minh và UNDP tổ chức sáng mùng6 tháng 2 tại TP. HCM.

Đến dự buổi tọa đàm có Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân và đại diện hàng trăm doanh nghiệp, cán bộ chuyên trách hội nhập kinh tế của các sở ban ngành của TP.HCM và nhiều tỉnh lân cận.

Phát biểu chỉ đạo cuộc Tọa đàm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ những năm tới đây VN có nhiều cơ hội để phát triển nhưng để biến cơ hội thành thực tế thì người dân và doanh nghiệp cần phải hiểu cụ thể về các FTA và AEC và những bước chuẩn bị cần thiết trong thời gian tới. Phó thủ tướng cũng lưu ý tới TP.HCM cần phải đi đầu trong cả nước trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng này bởi TP chính là đầu tầu kinh tế của cả nước.

 

Với tham luận “Tình hình chính trị-an ninh thế giới và khu vực năm 2014, Đại sứ Nguyễn Đức Hòa, Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại Bộ Ngoại giao cho rằng mặc dù tình hình thế giới năm qua rất phức tạp, sự cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng quyết liệt nhưng xu thế tránh gây xung đột lớn và sự hợp tác giảỉ quyết các mâu thuẫn bằng biện biện pháp hòa bình vẫn là dòng chảy chính. Vì vậy cơ hội cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, là rất lớn nếu như chúng ta khai thác tốt những nhu cầu, lợi ích đan xen của các đối tác. Việt Nam hiện đã xây dựng đối tác chiến lược với 13 nước trong khu vực và trên thế giới và 11 đối tác toàn diện (trong đó có Mỹ), điều này cho phép chúng ta có thể thâm nhập vào thị trường các nước và ngược lại nhưng quan trọng hơn giúp cho chúng ta xử lý hài hòa các mối quan hệ.

Một vấn đề ngày càng nổi lên gần đây là Cộng đồng ASEAN sẽ đi vào cuộc sống ngày cuối cùng của năm 2015 này với những hiểu biết rất hạn chế của người dân lẫn doanh nghiệp. Tình hình chuẩn bị của các nước khu vực ra sao, những khó khăn gì đang chờ doanh nghiệp VN và làm thế nào để chuẩn bị tốt nhất khi bước vào sân chơi 600 triệu dân với tổng GDP 3000 tỷ USD này đã được Đại sứ, Trưởng SOM ASEAN Nguyễn Vũ Tú trình bày rất cặn kẽ. Việc thực hiện các cam kết AFTA của các nước trong đó có VN đã được thực hiện từ nhiều năm qua nên không thể coi là cú sốc khi Cộng đồng hiện thực hóa những thỏa thuận của mình.

Hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn mới- những vấn đề đối với địa phương và doanh nghiệp VN là chủ đề tham luận của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Vụ tưởng, Bộ phận thường trực APEC 2017. Theo Đại sứ xu hướng hội nhập, liên kết kinh tế và tập hợp lực lượng đang diễn ra mạnh mẽ. Đó là sự phát triển mạnh và nhanh hơn trước của các FTA thế hệ mới với châu Á Thái Bình Dương đóng vai trò đầu tàu. Với VN chúng ta có lợi thế rất lớn với nhiều nước khu vực bởi chúng ta tham gia đàm phán và kí kết FTA với 8 đối tác lớn khắp năm châu. Đại sứ cũng cho rằng giờ đây doanh nghiệp VN phải tư duy của thị trường 10 nước nội khối chứ không phải chỉ là VN và là của ngõ của nhiều nước phát triển khi đi vào khu vực và ngược lại là điểm trung chuyển từ ASEAN đến khắp nơi.

Trong khi đó, Tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh vào những thách thức đối với cải cách và doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và một thế giới biến đổi. Tiến sĩ Thành cho rằng cả Chính phủ và doanh nghiệp đêù phải không ngừng đổi mới nhận thức, học hỏi, sáng tạo và quyết liệt hành động trên rất nhiều khía cạnh. Với Chính phủ, một trong các yêu cầu là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tăng cường vai trò, vị thế của khu vực tư nhân, đáp ứng cam kết hội nhập. Còn đối với doanh nghiệp, điều cốt lõi là phải học hỏi cách thức kinh doanh trong bối cảnh mới.

Cuối buổi tọa đàm, rất nhiều câu hỏi cụ thể đã được các doanh nghiệp nêu lên như vấn đề lao động và du lịch nội khối sẽ tạo ra thách thức và cơ hội cho DN VN như thế nào, Bộ Ngoại giao giúp gì cho hội nhập kinh tế đất nước và hợp tác giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực trong bối cảnh hiện nay đã được các diễn giả trả lời đầy đủ. Sự quan tâm đến những quyền lợi sát sườn của cộng đồng doanh nghiệp VN đang dần dần rõ hơn khi mốc thời gian thực hiện các cam kết đang cận kề. Một trong điều mà tất cả cần học nữa chính là phải chủ động nắm bắt các cơ hội nhưng cần phải tăng tốc hơn nữa, điều mà các nước trong khu vực đã tận dụng tốt hơn.

Tùng Lâm

thế giới và việt nam

Các tin tức khác

>   Sẵn sàng nội lực để hội nhập thành công (06/02/2015)

>   Lợi ích cho nền kinh tế vượt xa mức hụt thu khi giá dầu giảm (06/02/2015)

>   Việt Nam mong muốn Nhật Bản tiếp tục duy trì ODA ở mức cao (06/02/2015)

>   TPHCM cần nhìn ra khu vực để tìm hướng phát triển (05/02/2015)

>   Năm 2015: Năm thực hiện những cam kết (05/02/2015)

>   TPHCM vào tốp 20 thành phố năng động nhất toàn cầu: Chưa vội mừng! (05/02/2015)

>   Chính phủ quyết tâm đạt mức tăng trưởng 6,2% (05/02/2015)

>   Lạm phát năm 2015 khoảng 3% (03/02/2015)

>   Tạo đà cho nền kinh tế phát triển hiệu quả từ tái cơ cấu và ba đột phá (02/02/2015)

>   Sẽ điều chỉnh giá dầu nhịp nhàng dựa trên các yếu tố tác động (02/02/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật