TPHCM cần nhìn ra khu vực để tìm hướng phát triển
Nếu xét về tổng hợp sức cạnh tranh kinh tế của các địa phương trong nước, TPHCM nằm ở vị trí độc tôn, không có đối thủ với bất kỳ thành phố nào trong nước. Nhưng so với các thành phố khác ở các nước trong khu vực thì TPHCM vẫn còn kém xa, và cần phải nhìn ra khu vực để xác định hướng phát triển của mình.
Trục giao thông cửa ngõ phía đông TPHCM được xây dựng khang trang - Ảnh: Văn Nam
|
Phát biểu tại hội thảo về tái cấu trúc kinh tế TPHCM giai đoạn 2013 – 2020 do Viện nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức chiều nay (5-2), chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du cho biết ông đang thực hiện một nghiên cứu về sức cạnh tranh của TPHCM.
Ông Du nhận định, nếu xét về xếp hạng tổng hợp năng lực cạnh tranh ở trong nước thì TPHCM đang nằm ở vị trí độc tôn, không có đối thủ suốt mấy chục năm qua, nhưng so với các thành phố ở các nước khác trong khu vực về nhiều chỉ tiêu thì TPHCM vẫn còn thấp khá xa.
Chẳng hạn so với Manila (Philippines) hay Bangkok thì TPHCM đang thua xa về năng lực cạnh tranh tổng hợp.
Ông Huỳnh Thế Du trích quyển sách hồi ký của ông Lý Quang Diệu từng viết rằng: “Năm 1975 TPHCM có thể cạnh tranh ngang với Bangkok; còn năm 1992, tôi nghĩ có lẽ nó đã tụt hậu 20 năm.”
Nếu lấy GDP bình quân đầu người của Bangkok tăng 4,3%/năm và TPHCM tăng 8,7%/năm thì phải mất 20 năm nữa GDP bình quân đầu người của TPHCM mới may ra đuổi kịp Bangkok. Nếu xét góc độ hạ tầng, TPHCM mãi đến năm 2018 mới dự kiến có tuyến metro đầu tiên trong khi Bangkok đã có từ năm 2000.
Ông Du đưa ra khuyến nghị rằng chính quyền thành phố cần giải pháp để làm sao đưa TPHCM theo kịp các nước trong khu vực chứ không đơn thuần chỉ nhìn ở phạm vi trong nước, cần phải tìm ra động cơ phát triển.
“Khi nghiên cứu về sức cạnh tranh của TPHCM, chúng tôi thấy có 3 công cụ đang bị ‘trục trặc’ cơ bản. Thứ nhất động cơ làm việc của cán bộ công chức rất thấp hoặc không có động cơ làm việc; thứ hai là số liệu thống kê không tin cậy; thứ ba là các quy hoạch không phát huy vai trò nhiều... Đây là ba trục trặc chung, không chỉ của TPHCM mà của cả nước”, ông Du nói.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cấu trúc kinh tế TPHCM giai đoạn 2001 – 2014 dựa vào hai khu vực chính là dịch vụ và công nghiệp – xây dựng. Trong đó, số doanh nghiệp dịch vụ chiếm 70% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 26%, còn lại là lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Tuấn cho biết định hướng cấu trúc kinh tế TPHCM giai đoạn 2013 – 2020 vẫn là khu vực dịch vụ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo với 9 nhóm ngành gồm: tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; bưu chính – viễn thông và công nghệ thông tin – truyền thông; kinh doanh tài sản – bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học – công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục – đào tạo.
Theo một báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM hồi đầu năm nay, tỉ trọng các ngành trong GDP của thành phố giai đoạn 2011 – 2015 có sự thay đổi theo hướng có gia tăng tỉ trọng các ngành dịch vụ và giảm dần các ngành công nghiệp và xây dựng.
Cụ thể, ngành dịch vụ năm 2010 chiếm tỉ trọng 53,6% trong GDP thì đến năm 2015 này ước tăng lên 59,9%. Trong khi đó, ngành công nghiệp và xây dựng giảm từ 45,4% năm 2010 xuống còn khoảng 39% trong năm 2015. Ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng quanh quẩn ở mức 1% trong suốt nhiều năm qua.
Văn Nam
TBKTSG
|