2015 - năm của TPP
Dự hội thảo kỷ niệm 20 năm quan hệ Mỹ - Việt tại Hà Nội vào đầu tuần này, nguyên Vụ trưởng Vụ châu Mỹ Bộ Thương mại Trần Đình Lương cùng với nguyên Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt Virginia Foote không phát biểu nhiều. Thế nhưng, nhiều quan chức, cựu quan chức, học giả hai bên đã nhắc đến họ khi nói về quan hệ Việt - Mỹ. Họ là những người tham gia tích cực vào tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại song phương, khởi đầu cho một quan hệ thương mại phát triển mạnh và giờ đang đi tới một hiệp định phức tạp, đa phương hơn là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
* TPP huyền bí
Còn bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt vào thời điểm đó, không phải là người tham gia trực tiếp vào bàn đàm phán, song bà đã rất tích cực vận động hành lang để các doanh nghiệp Mỹ, chính giới, các nghị sĩ ủng hộ bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, ủng hộ BTA hai nước và sau này là ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Các cựu Đại sứ Mỹ và Việt Nam tại hội thảo kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Mỹ.
Ảnh: THẢO NGUYỄN
|
Vươn tới nhà đầu tư số 1
Ông Trần Đình Lương là trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại song phương (BTA) Việt - Mỹ của Việt Nam, một nhà đàm phán đã từng được phía Mỹ công nhận là lão luyện, khôn ngoan và khá rắn trên bàn đàm phán, mặc dù lúc đó Việt Nam còn rất bỡ ngỡ trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.
Sau khi BTA song phương có hiệu lực vào tháng 12-2001, Mỹ đã mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam và doanh số bán hàng của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này đã tăng gấp đôi chỉ trong năm đầu tiên. Theo con số của Đại sứ quán Mỹ, khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995, thương mại song phương chỉ đạt 451 triệu đô la Mỹ, nhưng chỉ sau 20 năm, con số này đã tăng hàng chục lần, lên tới 35 tỉ đô la vào năm 2014, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hơn 28 tỉ đô la, tăng 19% so với năm 2013.
“Tôi có tham vọng Mỹ không phải đối tác thương mại, đầu tư đứng thứ hai hay thứ ba ở Việt Nam, mà phải ở vị trí số 1”.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius
|
|
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, ông Lê Văn Bàng, nhậm chức năm 1996, nói: “Trong 20 năm qua, có những điều tôi là người trong cuộc mà cũng không ngờ tới, ví dụ như kim ngạch thương mại hai nước, hồi tôi ở đó thời gian đầu chỉ khoảng 1 tỉ đô la thôi”.
Về đầu tư, Mỹ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 vào Việt Nam, với khoảng 700 dự án, tổng vốn gần 10,7 tỉ đô la Mỹ, chưa kể đầu tư của doanh nghiệp Mỹ qua nước thứ ba, theo con số mà Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cung cấp gần đây.
Chưa bằng lòng với con số trên, tân Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Ted Osius, người mới đến Việt Nam cuối tháng 12-2014, nói bên lề hội thảo: “Trong nhiệm kỳ của tôi, tôi muốn làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước. Tôi có tham vọng Mỹ không phải đối tác thương mại, đầu tư đứng thứ hai hay thứ ba ở Việt Nam, mà phải ở vị trí số 1”.
Hợp tác kinh tế thương mại Việt - Mỹ đã mang lại lợi ích cho cả hai nước, góp phần tạo công ăn việc làm, thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam. Phát triển quan hệ kinh tế thương mại song phương đã được hai bên xác định sẽ là một trong những ưu tiên trong thời gian tới, là nền tảng quan trọng nhất để quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục phát triển vững chắc trong tương lai.
Năm của TPP
Từ BTA song phương năm 2001, đúng dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Mỹ năm 2015 này, hai nước đặt mục tiêu hoàn thành vòng đàm phán song phương Hiệp định TPP, được xem là một tầng nấc cao hơn, phức tạp hơn trên con đường tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Mặc dù một số nhà phân tích cảnh báo cần thận trọng với những kỳ vọng vào TPP nếu không nắm bắt cơ hội để cải cách nội lực, song TPP được cả hai bên coi là cú hích mới trong quan hệ kinh tế thương mại song phương.
Trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 10-2014, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman cho rằng TPP là “bước tiến mới, tăng cường cơ hội phát triển kinh tế Việt Nam, đưa kinh tế Việt Nam tới tầm cao mới”, và trong số các quốc gia đàm phán TPP, Việt Nam sẽ có lợi nhiều nhất.
Về phía Mỹ, Đại sứ Ted Osius nói rằng, TPP thể hiện một trọng tâm chính sách của Mỹ trong tầm nhìn về một châu Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng. “Tổng thống Obama đã nói về lợi ích của TPP đối với Mỹ và nhấn mạnh cần nhanh chóng kết thúc đàm phán, tiến tới thực hiện TPP” - ông Osius cho biết.
Đàm phán TPP là chặng đường dài. Mặc dù cho đến những vòng đàm phán gần đây, hai bên đều thừa nhận có những khác biệt về tiếp cận thị trường, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, lao động, nhưng hai bên cũng ghi nhận tiến bộ trong đàm phán. Nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson cũng tỏ ra rất kỳ vọng vào TPP. Ông quan sát thấy hai bên đã đạt được nhiều tiến bộ trong đàm phán và cho rằng “năm 2015 sẽ là năm của TPP”. Còn Đại sứ vừa nhận nhiệm sở Ted Osius khẳng định: “Cả Mỹ và Việt Nam đều coi TPP là một thỏa thuận chiến lược về kinh tế, cả Washington và Hà Nội đều có quyết tâm chính trị để đạt được hiệp định này”.
Mỹ Hằng
tbktsg
|