Sản xuất thiết bị y tế: Giãy chết từ trong trứng nước!
Ngành sản xuất thiết bị y tế trong nước ngày càng có thêm nhiều sản phẩm đi vào đời sống, nhưng lại theo một cách hết sức chật vật, bởi phải cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại, đặc biệt là hàng Trung Quốc.
Ngành sản xuất thiết bị y tế trong nước đang phải cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại, đặc biệt là hàng Trung Quốc. Ảnh: H.N
|
Từ chuyện ghế làm răng, cáng cứu thương...
Tại một hội thảo do Vụ Trang thiết bị và công trình y tế chủ trì về chính sách ưu đãi đầu tư sản xuất trang thiết bị y tế trong nước diễn ra tại TPHCM hồi cuối tháng 12-2014, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, chủ cơ sở sản xuất ghế cho bệnh nhân làm răng Khánh Quang, cho biết lâu nay cơ sở của bà vẫn phải chật vật cạnh tranh với hàng Trung Quốc, trong khi nhiều đồng nghiệp khác đã... chết trên sân nhà!
Theo bà Ánh, hàng Trung Quốc hiện thống lĩnh thị trường ghế làm răng phía Bắc với thị phần 95%. Thị phần còn lại thuộc về hàng của Nhật, Mỹ, trong đó hàng mới của Mỹ giá từ 8.000-21.000 đô la Mỹ/ghế, hàng cũ thì có giá mềm hơn.
Ở thị trường phía Nam, hàng hóa đa dạng hơn vì có thêm các sản phẩm của cơ sở Khánh Quang với mức giá từ 42-55 triệu đồng/ghế, chất lượng tốt hơn hàng Trung Quốc.
Thật ra, trước năm 2006, ở Việt Nam có khoảng bảy cơ sở sản xuất ghế làm răng, nhưng sau đó, hàng Trung Quốc ồ ạt vào thị trường, thậm chí trúng thầu tại nhiều bệnh viện, phòng khám nhờ giá rẻ và mẫu mã đẹp. Các cơ sở sản xuất trong nước cạnh tranh không nổi đã phải... đầu hàng! Chỉ hơn một năm sau, cả nước chỉ còn duy nhất một cơ sở Khánh Quang ở TPHCM còn tồn tại nhờ có người nhà ở nước ngoài đổ vốn đầu tư.
Sau một năm sử dụng hàng Trung Quốc thấy chất lượng kém, nhiều người mới quay về dùng hàng trong nước. Nhưng đến nay, tại Việt Nam cũng chỉ có hai đơn vị sản xuất ghế làm răng, ngoài cơ sở Khánh Quang sản xuất và lắp ráp bán cho thị trường trong nước, còn có nhà máy của một công ty Nhật nhưng họ xuất khẩu gần 100% sản phẩm và có giá cao, từ 12.000-16.000 đô la Mỹ/ghế.
Bà Ánh kể: “Tôi rất mệt mỏi với hàng Trung Quốc. Từ năm 2006 đến nay, hết đầu nậu người Trung Quốc đến đầu nậu người Việt Nam thường xuyên tiếp thị và đề nghị tôi bán hàng Trung Quốc để thu lãi cao. Ghế làm răng của Trung Quốc có giá mua vào 25 triệu đồng/cái. Họ nói tôi muốn bán giá bao nhiêu cũng được, nhưng thấp nhất là 32 triệu đồng/cái”.
Một mặt hàng thiết bị y tế khác là cáng cứu thương cải tiến của ông Giang Mãng Phước, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV thiết bị y tế Phước Vinh. Sản phẩm có nhiều ưu điểm như có bánh xe kéo, giúp giảm số người vận chuyển bệnh nhân từ 2-4 người xuống chỉ còn một người. Ngoài ra, cáng có thể được lắp ghép chồng lên nhau dùng làm thang cứu hộ. Giá rất rẻ, chỉ từ 2 triệu đồng/cái, so với cáng ngoại nhập từ 240 đô la Mỹ/cái.
Sản phẩm đã đạt một số giải thưởng như giải nhì (không có giải nhất) Giải thưởng sáng chế TPHCM năm 2008; cúp vàng Techmart Vietnam ASEAN+3; giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 10 (2008-2009).
Mặc dù được nhiều đối tác ở nước ngoài đặt mua, thậm chí có người muốn mua bản quyền sáng chế, nhưng sản phẩm này lại gặp khó khăn ở thị trường trong nước. Ông Phước kể: “Tôi chào hàng với các bệnh viện. Họ nói có nhu cầu, dùng thử sản phẩm thấy tốt nhưng cuối cùng họ im lặng mua hàng của nước ngoài”. Ông Phước cho rằng sản phẩm của ông không bán được vì ông không chi hoa hồng cao, không có những khoản “lót tay” 15-20% như các doanh nghiệp nước ngoài.
Cạnh tranh bằng hoa hồng
Lý giải chuyện một công ty hàng đầu thế giới về thiết bị và hóa chất chẩn đoán lâm sàng như Bio-Rad cũng phải “bôi trơn” mới có chỗ đứng trên thị trường, một chuyên gia y tế cho rằng việc chi hoa hồng dường như đã thành nếp. Nếu không chi, doanh nghiệp dù có sản phẩm chất lượng đến đâu cũng khó có cơ hội chen chân vào các cơ sở y tế.
Nhìn nhận chuyện chi hoa hồng như một vấn nạn rất khó loại bỏ, TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), từng đặt vấn đề: “Đây chính là hiện tượng tham nhũng, hối lộ trong y tế. Chúng ta có quyền đặt dấu hỏi về thực trạng đấu thầu trong y tế từ nguồn ngân sách nhà nước. Cần phải điều tra, làm rõ mức độ ảnh hưởng tới đâu của đồng tiền bôi trơn”.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị y tế, thì cho rằng mặc dù đã có một số trang thiết bị y tế sản xuất trong nước được bán ra với số lượng lớn, nhưng những sản phẩm này chưa được quan tâm sử dụng trong các cơ sở y tế là do chất lượng chưa cao. Mặt khác, vẫn còn nhiều cán bộ chuyên môn y tế chuộng sử dụng trang thiết bị ngoại.
Tâm lý “sính ngoại” của người Việt cũng được ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc tiếp thị Công ty liên doanh Y học Việt Hàn - Vikomed (tại Khu công nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội), phản ánh. Ông Hưng cho biết công ty nơi ông đang làm việc là công ty con của một công ty Hàn Quốc. Sản phẩm của công ty không được các cơ sở y tế trong nước chào đón nên công ty buộc phải xuất hàng về công ty mẹ ở Hàn Quốc, sau đó dán nhãn nhập trở lại Việt Nam thì mới bán được!
Cần một cơ chế hỗ trợ
Theo bà Ánh, thuế khoán doanh thu đã tăng từ mức 2% (đầu năm 2014) lên 3% (giữa năm 2014) và lên 5% (từ ngày 1-1-2015). Bà bày tỏ sự mệt mỏi khi nói về những khó khăn trong việc duy trì cơ sở sản xuất: “Tôi phải trả lương cao để giữ thợ, phải vay vốn với lãi suất cao..., nay Nhà nước lại tăng thuế lên 5%. Nếu được Nhà nước hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp kèm chính sách giảm thuế thì chúng tôi mới yên tâm sản xuất và cạnh tranh với hàng Trung Quốc”.
Theo ông Trương Hùng, Phó hội trưởng Hội Thiết bị y tế Việt Nam, cần một cơ chế khuyến khích sử dụng trang thiết bị y tế trong nước, nhất là đối với những sản phẩm có chất lượng, được các nước trong khu vực ASEAN công nhận, cũng như những sản phẩm đã trải qua cuộc vật lộn với hàng Trung Quốc mà vẫn tồn tại và đi lên. Nhà nước nên có chính sách ưu tiên về giá, ưu tiên chấm thầu, ưu tiên thang điểm sản xuất cho hàng sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, cần quan tâm giảm thuế để giúp hàng trong nước tăng sức cạnh tranh với hàng nước ngoài.
Ông Giang Mãng Phước cũng đồng tình việc cần có cơ chế ưu tiên mua, chỉ định thầu, ưu tiên sử dụng những sản phẩm sản xuất trong nước đã được Nhà nước và quốc tế chứng nhận chất lượng. Như vậy sẽ tạo cơ hội, đường lối và niềm tin cho những người nghiên cứu, những nhà sản xuất.
Hoàng Nhung
tbktsg
|