Doanh nghiệp Việt dễ phá sản
Lẽ ra trong nền kinh tế mới nổi, khả năng doanh nghiệp bùng nổ sinh ra phải nhiều hơn số mất đi nhưng diễn biến thực tế tại Việt Nam lại không như vậy
Lạm phát giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm, vốn đăng ký bình quân của các doanh nghiệp (DN) thành lập mới trong năm 2014 tăng thêm 11,5% so với năm 2013… Đây là những số liệu rất tích cực về DN nhưng nhiều ý kiến cho rằng thực chất DN Việt Nam đang rất yếu.
Vốn đăng ký mới tăng khá
Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng năm 2014, mặc dù số lượng DN giải thể và ngừng hoạt động vẫn tăng so với năm trước nhưng quy mô vốn của DN mới thành lập đã tăng lên, cụ thể, số DN đăng ký thành lập mới giảm 2,7%, vốn đăng ký bình quân tăng 11,5%.
Trong số các DN trước đây gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động đã có hơn 15.400 DN quay trở lại thị trường, tăng 7,1% so với năm 2013. Đáng lưu ý, sau thời gian suy giảm, nhiều ngành đã cải thiện tốt việc kinh doanh, như: xây dựng, vận tải kho bãi; bán buôn, bán lẻ nông lâm thủy sản.
Khả năng thanh toán và trả lãi của DN cũng được cải thiện, khả năng thanh toán ngắn hạn và khả năng thanh toán nhanh, khả năng thanh toán lãi vay của DN phi tài chính cũng cải thiện đáng kể và được ghi nhận tăng ở hầu hết các ngành kinh tế, trừ khu vực DN nhỏ và vừa.
Đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, trình độ quản lý thấp, năng lực cạnh tranh yếu nên dễ bị phá sản. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hồng Thúy
|
Năm vừa qua, cả nước có 58.322 DN khó khăn phải ngừng hoạt động, tăng 14,5% so với năm trước. Trong đó, 11.723 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 46.599 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký. Trong số này, 94% DN có số vốn dưới 10 tỉ đồng, 70% thuộc lĩnh vực dịch vụ có hàm lượng công nghệ thấp như: bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; dịch vụ lưu trú ăn uống, dịch vụ việc làm…
Trong khi đó cả nước có 74.842 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 432.2000 tỉ đồng, như vậy, tuy giảm về số lượng DN nhưng vốn đăng ký mới tăng khá so với năm trước. Trong năm, có khoảng 1,09 triệu lao động được tạo việc làm mới, tăng 2,8% so với năm trước.
Không đến mức quá lo?
Có nhiều nguyên nhân khiến DN đóng cửa khá nhiều. Đó là kinh tế thế giới suy giảm, trong khi kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên DN gặp khó khăn. Trong cộng đồng DN Việt Nam, có 97,6% quy mô nhỏ và vừa, trình độ quản lý thấp, năng lực cạnh tranh yếu nên dễ bị phá sản.
Tính linh hoạt của DN Việt Nam rất cao, vì quy mô nhỏ nên dễ dàng đóng cửa để chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực mới. Bên cạnh đó, các DN kém về nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học - kỹ thuật nên hiệu quả hoạt động thấp, khó cạnh tranh.
Theo Tổng cục Thống kê, việc phá sản, giải thể DN trong năm qua là không đáng lo vì tỉ lệ DN sống sót sau khi gia nhập thị trường là 60%. Tỉ lệ này cao hơn so với nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, năm 2012, tỉ lệ DN tồn tại sau 3 năm hoạt động ở Anh là 70%; tại Mỹ, tỉ lệ tồn tại sau 5 năm hoạt động là 50%; tại New Zealand trong 4 năm, từ 2010-2013, số lượng DN rút khỏi nền kinh tế lớn hơn số DN thành lập mới trong cùng thời kỳ.
Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên nhận xét DN Việt đang rất yếu, quy mô rất nhỏ. Khác với các nền kinh tế khác, nguyên nhân đóng cửa của DN Việt Nam có một phần rất quan trọng là do môi trường kinh doanh. Cụ thể là lạm phát cao suốt một thời gian dài, có năm lên đến gần 20%.
Vì vậy, vốn tăng, quy mô tăng nhưng lạm phát cao nên giá trị đồng tiền nhỏ đi, quy mô DN cũng nhỏ dần theo. Lẽ ra trong nền kinh tế mới nổi, khả năng bùng nổ DN sinh ra phải nhiều hơn số mất đi nhưng diễn biến thực tế tại Việt Nam lại không như vậy.
Hà Linh
người lao động
|