Bao giờ thuốc nội “đánh bật” thuốc ngoại?
Theo kế hoạch đến năm 2020, thuốc sản xuất trong nước sẽ chiếm 80% tổng số thuốc lưu hành trên thị trường. Đây thực sự là bài toán khó, bởi lâu nay người tiêu dùng vẫn luôn chuộng thuốc ngoại và chính thầy thuốc cũng thích kê đơn thuốc ngoại bởi nhiều lý do tế nhị.
Thuốc nội phải chứng minh được hiệu quả điều trị thì người bệnh mới tin dùng.
|
Thuốc nội vẫn lép vế
Hiện nay, ngành dược Việt Nam đã sản xuất được tất cả các nhóm dược lý (27/27 nhóm dược lý) và chất lượng thuốc ngày càng nâng lên. Trong quá trình kiểm soát chất lượng thì thuốc giả, thuốc kém chất lượng ở Việt Nam ngày càng giảm: Thuốc giả từ 0,1% năm 2010 và hiện nay còn 0,02%; thuốc kém chất lượng từ 3% xuống dưới 3%, được đánh giá là một trong những nước có tỉ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng thấp.
Viện Kiểm nghiệm thuốc của Bộ Y tế mỗi năm kiểm nghiệm hơn 2.000 mẫu thuốc cả nội lẫn ngoại. Qua kiểm nghiệm cũng cho thấy chất lượng tân dược sản xuất trong nước không thua kém thuốc nhập khẩu. Thế nhưng, thuốc nội vẫn lép vế trước thuốc ngoại.
Thực tế cho thấy, tỉ lệ sử dụng thuốc nội tại các tuyến y tế vẫn còn rất khiêm tốn. Tại tuyến huyện mới đạt 62% thuốc nội; tỉnh là 44%, trung ương >10%; và chủ yếu là các thuốc thông dụng. Ngay cả con số 62% thuốc nội được sử dụng tại tuyến huyện tuy lớn nhưng chỉ đạt vài trăm triệu đồng, chưa lên được con số vài tỉ đồng.
Theo các báo cáo của Bộ Y tế, tỉ lệ tiền mua thuốc sản xuất tại Việt Nam và thuốc ngoại nhập của bệnh viện các tuyến năm 2010 là 15.000 tỉ đồng, trong đó tỉ lệ tiền mua thuốc nội chỉ chiếm 38,7%. Con số này năm 2008 là 1,1 tỉ USD; năm 2009 là 1,2 tỉ USD; năm 2013 khoảng 1,7 tỉ USD… Một thực trạng rất rõ ràng, cả nước hiện có gần 180 DN sản xuất thuốc nhưng chủ yếu vẫn sản xuất nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn (kháng sinh), vitamin, thuốc bổ, giảm đau... còn các thuốc đặc trị lại chưa nhiều.
Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) - cho rằng, tiền thuốc đang là một gánh nặng lớn đối với người bệnh và xã hội. Việc tăng tỉ lệ dùng thuốc nội sẽ góp phần giảm chi phí chữa bệnh. Khi tỉ lệ thuốc sản xuất trong nước cung ứng vào bệnh viện tăng lên, đồng nghĩa với việc giảm chi phí cho ca điều trị.
Hiện nay, hơn 70% dân số Việt Nam ở khu vực nông thôn vẫn đang hết sức khó khăn, chỉ cần có đủ thuốc để chữa khỏi bệnh chứ không nhất thiết dùng thuốc nhập ngoại. Ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) - khẳng định, với gần 180 doanh nghiệp (DN) sản xuất thuốc hiện nay đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc chữa bệnh của người dân. Các nhà máy sản xuất thuốc trong nước đều đạt chuẩn quốc tế (GMP), đầu tư công nghệ, chất lượng sản phẩm tốt, giá thành rẻ hơn nhiều so với thuốc ngoại cùng loại.
Bác sĩ thích kê đơn thuốc ngoại
Nguyên nhân thuốc nội chưa được sử dụng là vì bác sĩ vẫn chăm chăm kê đơn thuốc ngoại cho bệnh nhân. Các bệnh viện có thể đã không chỉ đạo quyết liệt khối điều trị phải ưu tiên sử dụng thuốc nội do sợ giảm đáng kể nguồn thu (vì hầu hết các bệnh viện đều hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính).
Hiện nay đa số các bệnh viện lớn đầu ngành ở các trung tâm trong cả nước đều có xu hướng sử dụng thuốc nhập khẩu rất nhiều khiến cho các thuốc ngoại càng có đất dụng võ. Ông Trương Quốc Cường nhấn mạnh vai trò của bác sĩ quyết định tất cả, bởi người bệnh không tự quyết định chọn thuốc mà phải do thầy thuốc chỉ định. Thuốc nội có lên ngôi được hay không, có lẽ phải bắt đầu từ ngòi bút kê đơn của các thầy thuốc tại các bàn khám bệnh trong cả nước.
Đã có không ít các cuộc hội thảo, hội nghị bàn thảo về vấn đề làm thế nào để tăng tỉ lệ sử dụng thuốc nội. Ông Nguyễn Quý Sơn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Dược Việt Nam - cho rằng, “nhà sản xuất dược phải chứng tỏ chất lượng sản phẩm của mình. Bảo người dân dùng mà thuốc không trị hết bệnh thì ai tin”. Ý kiến của một chuyên gia ngành y cho hay, thuốc là mặt hàng đặc thù, quyền quyết định chủ yếu ở thầy thuốc. Vậy nên việc vận động ưu tiên sử dụng thuốc Việt cần bắt đầu từ chính ngành y, từ chính các thầy thuốc.
Đáp trả lại việc vì sao kê đơn thuốc ngoại cho bệnh nhân, một bác sĩ của BV trung ương đưa ra lý lẽ: Các bác sĩ không phải không muốn dùng thuốc nội, nhưng vì không biết được chất lượng thuốc nội đến đâu nên không dám cho người bệnh sử dụng. Có bác sĩ nói nếu người bệnh uống thuốc nội kéo dài mà không khỏi còn tốn kém hơn uống thuốc ngoại…
Nói về vấn đề này, ông Trương Quốc Cường thừa nhận, đúng là thuốc nội trước tiên phải “hữu xạ tự nhiên hương”. DN sản xuất ra thuốc tốt có hiệu quả thật, chứng minh qua lâm sàng, qua tác dụng dược lý, qua thực tế… nhưng rất ít được tuyên truyền, quảng bá. Các DN phải sản xuất thuốc thực sự tốt, nếu thuốc không tốt thì người dân, bác sĩ sẽ quay lưng.
Bộ Y tế đã có chiến dịch truyền thông người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam, trong đó chương trình “Con đường thuốc Việt” được triển khai để kêu gọi toàn thể cán bộ trong ngành y tế, đặc biệt trong bệnh viện, bác sĩ phải quan tâm tới thuốc do Việt Nam sản xuất; Hội đồng thuốc trong bệnh viện cũng phải chú trọng đưa thuốc sản xuất trong nước vào danh mục thuốc; người dân cũng tin tưởng dùng thuốc nội.
Qua một thời gian phát động chương trình “Con đường thuốc Việt”, Bộ Y tế đã bình chọn và công nhận 62 sản phẩm thuốc Việt đạt danh hiệu Ngôi sao thuốc Việt; 30/134 doanh nghiệp đạt danh hiệu Ngôi sao thuốc Việt. Đây là những điển hình của ngành dược, từ đó nâng cao uy tín, thương hiệu của ngành dược Việt Nam.
|
lao động
|