Vốn ODA: Tăng quản lý, thêm lòng tin
Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 80 tỷ USD vốn viện trợ phát triển (ODA) trong gần 30 năm qua. Với đặc tính thường là các dự án quy mô lớn, thực hiện trong thời gian dài cùng sự tham gia của nhiều bên nên việc quản lý, sử dụng vốn ODA cần tăng cường tính minh bạch.
* Việt Nam có thêm 5 tỷ USD vốn ODA
* Giải ngân vốn ODA: Bước đột phá mới
Tăng cường tính minh bạch trong các dự án ODA
|
Với kinh nghiệm quản lý dự án tại Việt Nam, ông Walter Poick- Giám đốc Ban Dịch vụ hoạt động và quản lý tài chính, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)- phân tích tại Hội nghị cấp cao “Tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển tại Việt Nam” vừa diễn ra ngày 20/1 tại Hà Nội, trong khâu lập kế hoạch đấu thầu tại Việt Nam thường có hiện tượng chia nhỏ hợp đồng làm tăng gánh nặng hành chính, nâng cao rủi ro thông thầu giữa các nhà thầu và làm giảm khả năng giám sát của ADB và Chính phủ.
Theo đánh giá của ông Trần Đức Lượng- Phó Tổng thanh tra Chính phủ- việc phát hiện và xử lý vụ việc gian lận, tham nhũng trong sử dụng vốn ODA tại Việt Nam không được nhiều. Ông Lượng cho rằng, một trong những nguyên nhân của hiện tượng này là do tâm lý coi tất cả nguồn ODA là “viện trợ không hoàn lại”, dẫn đến tình trạng “lobby” để nhận và thực hiện các dự án ODA. Mặt khác, dự án ODA phụ thuộc vào chính sách của quốc gia tài trợ vì vậy khó áp dụng chuẩn mực quản lý đầu tư công.
Ngoài ra, thông lệ các hiệp định về ODA thường quy định, khi các hành vi gian lận, tham nhũng được phát hiện thì số tiền vi phạm sẽ bị thu hồi và hoàn trả cho nhà tài trợ. Từ đó dẫn tới quan điểm chỉ đạo đấu tranh phòng chống tham nhũng không hiệu quả do lo ngại, khi phát hiện sai phạm sẽ ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao và chính sách hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ.
Bà Conchita Carpio Morales- Tòa án Tối cao Philippines:
Một nền kinh tế mạnh và bền vững phải dựa trên một chính phủ không có tham nhũng, hối lộ và một xã hội không dung túng cho các hành vi này.
|
Là quốc gia đang phát triển, việc nhận được các nguồn vốn ODA có ý nghĩa rất quan trọng với Việt Nam. Tuy nhiên, để nguồn vốn này phát huy hiệu quả cao nhất, Việt Nam cần tăng cường quản lý, tăng tính minh bạch trong sử dụng. Để làm được điều này, theo ông Lượng, các bộ, ngành, địa phương phải thay đổi tâm lý sử dụng ODA như “tiền chùa”, gây lãng phí nguồn lực. Đồng thời, nhà nước nên kiên quyết áp dụng các chế tài đối với các hành vi gian lận, tham nhũng. Các bộ, ngành có chức năng tham mưu cho Chính phủ khi đàm phán các hiệp định cung cấp ODA cần giảm thiểu các ràng buộc theo yêu cầu về sử dụng nhà thầu, tư vấn giám sát của bên tài trợ hoặc chỉ định vật tư, thiết bị…
Trong vấn đề này, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Mexico, Romania, Nepal, Nam Phi, Moldova… - các quốc gia đã sử dụng hình thức hợp đồng công khai đối với các hợp đồng mua sắm công. Trong đó, tất cả mọi thông tin về lập kế hoạch mua sắm, quy trình và kết quả đấu thầu, tiến độ triển khai và thanh toán, kết thúc hợp đồng… đều được công khai. Hiện tại, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng đang khuyến khích Việt Nam thực hiện hình thức này.
Bà Victoria Kwakwa- Giám đốc WB tại Việt Nam- chia sẻ, Việt Nam là một trong số các nước nhận nhiều hỗ trợ tài chính nhất từ WB, lên tới 4,3 tỷ USD trong vòng 3 năm qua. Bởi vậy, nếu nâng cao được khả năng quản trị nguồn vốn, tăng cường tính công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng trong các dự án ODA sẽ tạo ra niềm tin rất lớn cho các nhà tài trợ.
Nguyễn Phượng
công thương
|