Tái cơ cấu DNNN: Bội thu nhờ “dựa hơi” thị trường?
Các chỉ số chứng khoán bật tăng mạnh mẽ trong năm là “nguồn cảm hứng” không thể thiếu góp phần vào sự thành công của công cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Tập đoàn và Tổng công ty trong năm 2014.
Dù rằng thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm 2014 sụt giảm khá… thê thảm và gần như cuốn sạch mọi thành quả tăng trưởng gầy dựng được trong năm.
Song, xét về quá trình thì những dấu ấn đạt được trong năm nay của thị trường chứng khoán xét về cả điểm số lẫn thanh khoản quả là một năm đáng ghi nhận thành tích so với những tháng ngày “hẩm hiu” của vài năm liền trước.
Thị trường khởi sắc và sôi động trong năm 2014 là "nguồn cảm hứng" không nhỏ cho công tác tái cơ cấu, CPH DNNN
|
Một năm “bội thu” về cổ phần hóa
Theo như kế hoạch từ năm 2014 tới hết 2015 chúng ta phải hoàn thành sắp xếp 479 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó cổ phần hóa 432 doanh nghiệp (DN); bán, giao, giải thể, phá sản 22 DN; sáp nhập, hợp nhất 25 DN.
Nhìn lại giai đoạn 2011-2013, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 180 DN, trong đó cổ phần hóa 99 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 81 DN. Tốc độ thực hiện đề án tái cơ cấu trong năm 2014 đã được đốc thúc nhanh hơn khi tính đến gần cuối năm, cả nước đã sắp xếp 167 DN (gấp 1.6 lần năm 2013), trong đó cổ phần hóa 143 DN, gấp 2 lần. Sau khi rà soát, bổ sung danh mục DN phải cổ phần hóa theo tiêu chí phân loại DNNN mới được ban hành thì số DN phải cổ phần hóa, thoái vốn tới thời điểm này tăng thêm 100, ở mức 532DN.
Theo báo cáo của UBCKNN, trong năm 2014 có 76 DN bán đấu giá cổ phần trên Sở GDCK, trong đó 64 DN đã thu tiền bán cổ phần với 49% số cổ phần được bán theo kế hoạch, thu về 5,115 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch. Giá đấu thành công bình quân là 13,492 đồng/cp, trong đó giá đấu bình quân cao nhất là 44,693 đồng/cp (của Công ty Phục vụ Mặt đất Sài Gòn - SAGS). Thặng dư thu được khi bán cổ phần của các DNNN là 1,324 tỷ đồng.
Trả lời báo chí gần đây, nhận định về vấn đề này Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), ông Đặng Quyết Tiến, cho biết nếu so sánh kết quả cổ phần hóa trong năm 2014 với các năm trước đây, thì rõ ràng trong năm qua tiến độ cổ phần hóa đã được tăng tốc trở lại sau nhiều năm trầm lắng.
Tuy nhiên, nhìn vào kết quả cổ phần hóa đạt được trong năm 2014 so với kế hoạch phải hoàn thành cổ phần hóa 432 DN trong giai đoạn 2014-2015, công việc còn lại trong năm 2015 dường như vẫn còn rất nặng nề, do số lượng DN phải hoàn thành cổ phần hóa còn lại khá lớn với gần 300 doanh nghiệp. Như vậy nếu tính nhẩm trong năm 2015, mỗi ngày ít nhất sẽ phải có 1 đơn vị sẽ phải ”đăng đàn” thực hiện cổ phần hóa – quả là một thách thức không nhỏ đối với các bộ ngành có liên quan.
Cơ chế, chính sách về tái cơ cấu khối DNNN tuy đã dần thông thoáng hơn so với cách đây 2 năm song công tác thực thi vẫn gặp khó do đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa đối với các DN có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt.
Đánh giá về tiến độ cổ phần hóa DNNN năm 2014, Bộ GTVT trở thành “đàn anh” đi đầu trong công tác tái cơ cấu khi cổ phần hóa được 53 doanh nghiệp, vượt hơn 150% kế hoạch. Kể cả những doanh nghiệp như Vinalines, SBIC công tác cổ phần hóa được coi là khó cũng đang được Bộ GTVT quyết liệt triển khai để về đích đúng tiến độ.
Ngoài 15 doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT đã tiến hành IPO như Vietnam Airlines và Cảng Hàng không Việt Nam, còn có các tổng công ty lớn sẽ hoàn thành cổ phần hóa và bán cổ phần năm 2015 được dư luận quan tâm như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt và Tổng công ty công nghiệp tàu thủy.
Lời khi thoái vốn
Về công tác thoái vốn, tới 25/12/2014, theo số liệu của ban giám sát tái cơ cấu các DNNN đã thoái 6,076 tỷ đồng theo giá trị sổ sách tại 233 doanh nghiệp, thu về 8,002 tỷ đồng (bằng 1.3 lần mệnh giá, tức là bán 1 đồng vốn nhà nước thì lãi 1.3 đồng). Các lĩnh vực mà DNNN thoái vốn đều có lãi so với giá trị sổ sách như thoái vốn trong lĩnh vực tài chính lãi 120%, ngân hàng lãi 111%, bất động sản lãi 115%, bảo hiểm lãi 109%, bán vốn nhà nước tại DN lãi 150%. Riêng thoái vốn trong lĩnh vực chứng khoán thì không có lãi, chỉ đạt 98% giá trị sổ sách.
Trong số này, riêng Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bán hết vốn nhà nước tại 66 doanh nghiệp, thu về 2,017 tỷ đồng; Tập đoàn Than - Khoáng sản thu về 1,732 tỷ đồng, Tập đoàn Cao su thu về 523 tỷ đồng. Bộ Xây dựng chỉ đạo thoái vốn tại 11 tổng công ty và 37 công ty trực thuộc thu về 1,321 tỷ, Bộ GTVT chỉ đạo thu về xấp xỉ 600 tỷ đồng (7 tổng công ty tại 52 công ty trực thuộc).
Như vậy, với cái nhìn tổng quan, công tác tái cơ cấu DNNN bao gồm Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc trong năm 2014 đã có được nhiều điểm sáng đáng ghi nhận khi được sự “trợ lực” lớn từ lực cầu hấp thụ từ thị trường chứng khoán. Như vậy, nhiều dự báo về tình hình vĩ mô của Việt Nam sẽ khởi sắc trong năm 2015 cùng với nhiều chính sách quyết liệt trong công tác tái cơ cấu sẽ là động lực để cổ phần hóa DNNN sẽ được thúc đẩy mạnh hơn.
Vẫn còn đó nhiều điểm tối đáng phải bàn về cái “chất” về quản trị doanh nghiệp, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như nhân lực cấp cao của các đơn vị này sau khi công cuộc tái cơ cấu. Hay quan ngại của một số chuyên gia nước ngoài khi đánh giá tiến trình tái cơ cấu của DNNN nước ta trước thềm gia nhập các hiệp định thương mại quan trọng trong thời gian tới, song có thể rằng nước ta đang trong giai đoạn “vừa làm vừa sửa” chậm để xây dựng nền tảng thật chắc.
Đức Phương
|