Thứ Bảy, 03/01/2015 10:15

Nhiều tín hiệu nền kinh tế bắt đầu phục hồi

Năm 2008, kinh tế thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong 60 năm trở lại đây. Nhiều nền kinh tế hàng đầu như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản tăng trưởng âm. Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng dương.

 

Khác với các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trước, các chính phủ vào cuộc một cách quyết liệt và đưa ra các gói kích cầu đồ sộ. Nợ công của Chính phủ các nước đến nay lên đến 48,771 ngàn tỷ USD. Việt Nam cũng đưa ra gói kích cầu 8 tỷ USD. Chính yếu tố này đã hạ nhiệt cơn khủng hoảng nhanh nhưng lại kéo dài thời kỳ trì trệ và phục hồi chậm chạp của nền kinh tế thế giới. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, ngày càng hội nhập sâu nên bị tác động trực tiếp và gián tiếp của cuộc khủng hoảng, các biến động kinh tế thế giới. Bắt đầu từ thị trường tài chính, nhiều cổ phiếu giảm mạnh, chỉ số Index giảm xuống còn trên 300 điểm. Lạm phát tăng chóng mặt, sau đó bất động sản bị đóng băng. Trên 65% khoản vay của khách hàng vay ngân hàng thế chấp bằng bất động sản. Tình trạng khủng hoảng bất động sản làm cho nợ xấu của các ngân hàng tăng lên. Nhiều doanh nghiệp không được ngân hàng “tiếp máu”, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa rơi vào tình trạng khủng hoảng và phá sản. Trước tình hình trên, Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế và giảm lạm phát, ổn định tỷ giá, hạ cơn sốt vàng; gói 30 nghìn tỷ hỗ trợ thị trường bất động sản và tái cơ cấu nền kinh tế. Đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã có những tín hiệu tăng trưởng trở lại.

Thứ nhất là lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế được củng cố. Tổ chức xếp hạng Moody nâng mức xếp hạng Việt Nam từ B2 lên B1. Mới đây Picht nâng Việt Nam từ B+ lên B++. Việt Nam được coi là 1 trong 10 nền kinh tế năng động nhất thế giới. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp chỉ số năng lực cạnh tranh 2014/2015 đạt 68 trên 144 nước, tăng so với năm 2010/2011: 9 điểm và giảm 7 điểm so với 2012/2013. Chúng ta đã ký hiệp định đối tác chiến lược với 13 nước, 11 đối tác hợp tác toàn diện. Tham gia và thực hiện 8 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Đang đàm phán 6 hiệp định thương mại tự do với EU, TPP với Hoa Kỳ, với khu vực thuế quan Liên bang Nga và nhiều đối tác khác. Điều này đã tạo cơ hội để thu hút các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Singapore và nhiều nước trên thế giới tăng đầu tư vào Việt Nam.

Sau thời kỳ khủng hoảng 2008 – 2010, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm sút. Đến năm 2011 bắt đầu phục hồi, năm 2012 vốn đăng ký đạt trên 16 tỷ USD. Năm 2013 lên 18 tỷ USD và 9 tháng đầu năm 2014 đạt 13,7 tỷ USD.

Đặc biệt là nguồn vốn dưới dạng kiều hối tăng liên tục, năm 2010 đạt 8 tỷ USD, năm 2011 đạt 9 tỷ USD, năm 2012 đạt 10 tỷ USD và con số này tăng lên 11 tỷ USD vào năm 2013.

Thứ hai, cán cân thương mại và thanh toán được cải thiện là giảm nhập siêu và bắt đầu xuất siêu. Năm 2012 xuất khẩu đạt 114,51 tỷ USD, nhập khẩu 113,81 tỷ USD (xuất siêu 700 triệu USD). Năm 2013 xuất khẩu 132,14 tỷ USD, nhập khẩu 132,13 tỷ USD (xuất siêu 10 triệu USD). Riêng 9 tháng đầu năm 2014 đã xuất siêu 2,3 tỷ USD. Dự trữ ngoại tệ tăng trên 35 tỷ USD. Vừa qua chúng ta đã phát hành thành công trái phiếu 1 tỷ USD với lãi suất 4,8% cao hơn mức trung bình của thị trường trên 1%.

Thứ ba là thị trường chứng khoán bắt đầu phục hồi, chỉ số VN-Index đã tăng gấp đôi so với thời kỳ khủng hoảng. Hiện nay Vn-Index đang dao động ở mức 600 điểm.

Theo cam kết của AEC, thuế nhập khẩu hầu hết các mặt hàng sẽ giảm xuống bằng 0- 5%. Các hiệp định mậu dịch tự do mới như TPP, FTA với EU... có thể kết thúc đàm phán trong năm tới. Chúng ta phải có bước chuẩn bị ngay từ bây giờ để phát triển bền vững.

Thứ tư là thị trường bất động sản bắt đầu tan băng. Giao dịch của thị trường ở cả nhà thu nhập thấp và nhà chung cư cao cấp bắt đầu sôi động trở lại, nhất là các dự án có thể giao nhà ngay. Đây là kết quả của một phần gói kích cầu và xu hướng mở rộng chính sách nhà ở cho các đối tác nước ngoài. Song, lượng căn hộ chung cư cao cấp còn nhiều và giá thuê nhà chưa phục hồi, các nhà đầu tư còn đang chần chừ thì thời gian phục hồi thị trường này không thể thay đổi ngày một ngày hai được.

Thứ năm là quyết tâm của Chính phủ đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong năm 2014/2015. Đến tháng 9/2014 đã sắp xếp được 92 doanh nghiệp nhà nước, trong đó cổ phần hóa 71 doanh nghiệp, sát nhập 15 doanh nghiệp, số còn lại đã có 368 doanh nghiệp có ban chỉ đạo cổ phần; 257 doanh nghiệp đã xác định giá trị và 123 doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị.

Tóm lại, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi nhờ có lòng tin của các nhà đầu tư, nhà sản xuất - kinh doanh, nhờ cơ chế của Chính phủ và các biện pháp đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Song quá trình này diễn ra còn chậm, chưa có đột biến. Muốn đẩy nhanh tăng trưởng GDP lên 7%/năm, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đổi hình thức vay và quản lý vay theo dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tranh thủ những cơ hội các hiệp định tự do mang lại. Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đến hết năm 2017, chúng ta phải thực hiện đầy đủ lộ trình mở cửa thị trường theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); đến tháng 12/2015, Cộng đồng Kinh tế Asean (ACE) bắt đầu vận hành. Vì vậy, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại, đào tạo lại nguồn lực, đáp ứng yêu cầu mới.

Lương Văn Tự

công thương

Các tin tức khác

>   Cần một cái lắc đầu dứt khoát (03/01/2015)

>   Thị trường hàng hóa Tết: Linh hoạt, nắm bắt nhu cầu người dân (02/01/2015)

>   Ông Vương Đình Huệ: Nhiều ‘chuyện lạ’ đang chờ 2015 (01/01/2015)

>   Đột phá thể chế - Tiền đề cho năm 2015 (31/12/2014)

>   Hàng bình ổn sẽ giảm giá theo xăng (31/12/2014)

>   Chấm điểm 9 tháng bứt phá cải thiện môi trường kinh doanh (30/12/2014)

>   Giỏ hàng của người tiêu dùng năm 2015 sẽ như thế nào? (29/12/2014)

>   Xăng dầu trong nước giảm 10%, GDP có thể tăng 0,91% (29/12/2014)

>   Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế trong nước nổi bật nhất năm 2014 (29/12/2014)

>   Bối cảnh mới không chấp nhận cách làm cũ (29/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật