Thứ Hai, 29/12/2014 16:00

Xăng dầu trong nước giảm 10%, GDP có thể tăng 0,91%

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, giá dầu giảm là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng ít phụ thuộc hơn vào dầu mỏ.

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, ngày 29/12, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết tính toán sơ bộ, nếu giá xăng dầu trong nước giảm 10%, chi phí sản xuất sẽ giảm khoảng 0,57%, CPI giảm 0,55%, GDP tăng 0,91%.

Thực tế, năm 2014, giá xăng, dầu, giá gas trong nước giảm mạnh theo giá thế giới, tác động làm giảm giá các nhóm hàng giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng. Nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào nên giá dịch vụ ăn uống tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phân tích: Giá dầu thế giới giảm mạnh chưa có dấu hiệu phục hồi có tác động 2 chiều đến nền kinh tế nước ta, một quốc gia vừa xuất vừa nhập xăng dầu. Giá dầu thô giảm không gây ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước năm 2014 do các hợp đồng đã được ký kết từ trước nhưng lại tác động đến kinh tế năm 2015 cả về lọc dầu cũng như xuất khẩu dầu thô.

Do vậy, Bộ Tài chính đang theo dõi sát diễn biến tình hình để chủ động đưa ra các phương án khác nhau trong trường hợp giá dầu giảm sâu.

Về trung và dài hạn, giá dầu thế giới giảm có tác động tích cực, làm giảm giá xăng dầu trong nước, giảm chi phí đầu vào, giá thành sản xuất, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất.

Cũng theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, năm 2014 là một năm thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế-xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng được phục hồi trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng GDP cao hơn 2 năm trước. Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, đây là năm đầu tiên vượt mục tiêu đề ra.

Công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao. Nông nghiệp đạt kết quả khá; tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả bước đầu; các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu đều có mức tăng trưởng cao hơn năm trước.

Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, có xuất siêu; trong đó  đáng chú ý xuất khẩu khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục chuyển biến tích cực với tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với năm trước và đạt xấp xỉ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng về lượng, cho thấy các tín hiệu tốt về tăng tổng cầu. Chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp tạo điều kiện để thực hiện cải cách về giá sản phẩm, dịch vụ công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy tăng tổng cầu, đồng thời tác động làm giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng cao hơn năm trước. Giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt khá; thu hút vốn FDI có những chuyển biến tích cực. Thu NSNN đạt cao, vượt kế hoạch đề ra. Hoạt động phát triển doanh nghiệp đã có những dấu hiệu tích cực bước đầu.

An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm an toàn giao thông tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nhiều bộ luật hết sức quan trọng để bảo đảm triển khai, thực thi có hiệu quả các quy định của Hiến pháp, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, trong một số lĩnh vực cũng chưa đạt được kết quả như mong muốn, như: Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn ở mức cao; tỷ lệ lao đông qua đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, ngập lụt còn nhiều khó khăn. Thiệt hại do thiên tai còn lớn; tệ nạn xã hội, tội phạm, tai nạn giao thông, tình hình cháy nổ, cháy rừng và chặt phá rừng, tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp.

Phương Nguyên

chính phủ

Các tin tức khác

>   Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế trong nước nổi bật nhất năm 2014 (29/12/2014)

>   Bối cảnh mới không chấp nhận cách làm cũ (29/12/2014)

>   Trưởng ban Kinh tế TW: Không thể chủ quan với giá dầu giảm (29/12/2014)

>   GDP của Việt Nam ước tính tăng trưởng 5,98% trong năm 2014 (27/12/2014)

>   “Sự hiếm thấy” của CPI 2014 (27/12/2014)

>   Việt Nam hút hơn 20 tỷ USD vốn FDI trong năm 2014 (26/12/2014)

>   Tái cơ cấu nền kinh tế: Không thể bỏ qua yếu tố thị trường (26/12/2014)

>   The Diplomat: Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh năm 2015 (25/12/2014)

>   Ai hưởng lợi từ tiêu xài tiền công? (25/12/2014)

>   "CPI năm 2014 thấp kỷ lục là cơ hội cho sản xuất phục hồi" (24/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật