Thứ Hai, 29/12/2014 10:10

Bối cảnh mới không chấp nhận cách làm cũ

Thực ra các vấn đề “hậu WTO” của Việt Nam đã được đặt ra ngay khi chúng ta gia nhập tổ chức thương mại quốc tế này vào đầu năm 2007. Đến nay, khi bước vào năm thứ tám với tư cách là thành viên của tổ chức này, chúng ta lại có dịp nhìn lại những vấn đề cũ được đặt trong bối cảnh mới.

 

Dệt may hiện là ngành tận dụng tốt các FTA. Ảnh minh họa: Thu Nguyệt.

Tám năm trước, tư cách thành viên WTO đã ngay lập tức thổi bùng sự hứng khởi vào cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với kỳ vọng những cơ hội mới chưa từng có sẽ đến với họ.

Điều trùng hợp ngẫu nhiên khá thú vị là dường như Việt Nam cũng lại đang đứng trước một cơ hội đang mở ra như tám năm trước. Chỉ trong mấy tuần gần đây, Việt Nam đã kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan và Hàn Quốc. Đàm phán FTA với Liên hiệp châu Âu cũng sắp kết thúc với triển vọng ký kết vào đầu năm tới. Đó là chưa kể một hiệp định với tầm cỡ lớn hơn - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - đang đến rất gần.

Tuy nhiên, bối cảnh mới có những điểm khác biệt. Trước hết, các FTA mới ký đều có phạm vi điều chỉnh rất rộng liên quan đến hầu hết các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, mua sắm của Chính phủ... Quan trọng không kém, các “FTA thế hệ mới” đều có mức độ tự do hóa cao độ - giảm sâu hàng rào thuế quan - hơn hẳn các cam kết trong khuôn khổ WTO.

Thế mà, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chẳng cải thiện được bao nhiêu so với tám năm trước, nếu không nói là giậm chân tại chỗ. Phụ thuộc nặng nề vào nguyên liệu từ nước ngoài, công nghệ lạc hậu, thiếu tầm nhìn quản lý... chỉ là vài mảng xám lớn nhất trong bức tranh thể hiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa. Đã vậy, khả năng cạnh tranh này càng yếu đi như là một hậu quả tất yếu của việc chậm trễ cải cách thể chế. Như vậy, sức ép lên doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn trong khi cơ hội dành cho họ ngày càng ít đi ngay cả trên sân nhà. Đây là thách thức to lớn mà các nhà hoạch định chính sách Việt Nam phải vượt qua trong bối cảnh mới.

Phải nói ngay rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhận thức rất rõ thách thức này - không những chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách trong ngắn hạn vì thuế suất nhập khẩu sút giảm, mà còn đến tương lai của cả nền kinh tế Việt Nam về lâu về dài. Đã có những tiếng nói mạnh mẽ thể hiện quyết tâm cải thiện từ những nhà lãnh đạo cao nhất. Các chính sách cụ thể cũng đã được đề ra, như chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hay Nghị quyết 15 của Chính phủ.

Tuy nhiên, quyết tâm và kế hoạch hành động cụ thể cứ giảm dần từ trên xuống. Khi đến doanh nghiệp, thường thì tác động chẳng còn lại được bao nhiêu. Và cái vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại từ chủ trương này đến chính sách khác, làm xói mòn niềm tin của giới doanh nhân.

Ai cũng thấy cần tìm ra nguyên nhân để khắc phục ngay tình trạng này. Nếu đó là lỗi của cấp dưới, phải xử lý đến nơi, đến chốn - kể cả cách chức, thay người nếu cần thiết. Ngược lại, người đứng đầu phải xem lại trách nhiệm quản lý của mình.

Việt Nam đã bước vào một sân chơi toàn cầu lớn hơn, trong đó bối cảnh mới không chấp nhận cách làm như cũ.

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Trưởng ban Kinh tế TW: Không thể chủ quan với giá dầu giảm (29/12/2014)

>   GDP của Việt Nam ước tính tăng trưởng 5,98% trong năm 2014 (27/12/2014)

>   “Sự hiếm thấy” của CPI 2014 (27/12/2014)

>   Việt Nam hút hơn 20 tỷ USD vốn FDI trong năm 2014 (26/12/2014)

>   Tái cơ cấu nền kinh tế: Không thể bỏ qua yếu tố thị trường (26/12/2014)

>   The Diplomat: Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh năm 2015 (25/12/2014)

>   Ai hưởng lợi từ tiêu xài tiền công? (25/12/2014)

>   "CPI năm 2014 thấp kỷ lục là cơ hội cho sản xuất phục hồi" (24/12/2014)

>   Do giá xăng, CPI tháng 12 cả nước giảm 0.24% so với tháng trước (24/12/2014)

>   2015: Liệu Việt Nam có chuyển biến mạnh mẽ? (24/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật