Năm 2015: Cần nâng cao sức đề kháng cho nền kinh tế
Trong năm 2015, dự kiến Việt Nam sẽ ký kết các FTA với nhiều thị trường quan trọng. Bên cạnh đó, Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2015. Tất cả các nhân tố đó tạo ra cơ hội và thách thức, đòi hỏi toàn bộ nền kinh tế phải nâng cao sức đề kháng, có phản ứng nhanh, kịp thời và đúng đắn để tận dụng cơ hội, giúp tăng trưởng kinh tế bền vững.
Chuyển biến tích cực trong năm 2014
Kinh tế Việt Nam trong năm 2014 đã có chuyển biến tích cực, đáng được ghi nhận, tạo tiền đề cho những tiến bộ có thể đạt được trong năm 2015. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đạt 5,98%, cao hơn hẳn so với mức tăng trưởng 5,42% của 2013. Tăng trưởng công nghiệp đạt 7,14%, nông nghiệp đạt 3,49% và đều cao hơn các năm trước đây, chỉ có dịch vụ tăng 5,96% thấp hơn năm 2013. Xuất khẩu đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua với chỉ số CPI so với tháng 12/2013 chỉ tăng 1,84%, tạo điều kiện cho ngân hàng có thể tiếp tục giảm lãi suất tín dụng.
Số doanh nghiệp dân doanh thành lập đạt 74.842 doanh nghiệp, vượt quá số doanh nghiệp đóng cửa là 67.823 doanh nghiệp. Tỷ giá đồng tiền Việt Nam được giữ ổn định ở mức +2%, tương đương với mức lạm phát, dự trữ ngoại tệ tăng, bảo đảm nhập khẩu 3 tháng...
Chính phủ đã nhận thức rõ những yếu kém trong môi trường kinh doanh và bản thân Thủ tướng có nhiều nỗ lực yêu cầu các Bộ giảm bớt chi phí về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời trình ra Quốc Hội và được Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi, trong đó có nhiều nội dung cải cách, sẽ có hiệu lực trong năm 2015.
Tuy vậy, kinh tế năm 2014 vẫn còn không ít tồn tại. Đó là, kinh tế vĩ mô còn những nhân tố thiếu ổn định. Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổ mô hình tăng trưởng từ tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ chuyển sang tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, sạch, dựa vào khoa học-công nghệ, sáng tạo, năng suất, chất lượng hiệu quả thực hiện còn chậm.
Quản lý còn lạm dụng các công cụ hành chính, văn bản ban hành nhiều nhưng chất lượng chưa cao, thiếu tương thích, gây khó khăn không ít cho người dân và doanh nghiệp. Các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh chủ yếu nhằm vào cắt giảm thủ tục hành chính. Tham nhũng, lạm dụng chức quyền, lợi ích nhóm vẫn còn diễn ra.
Tình trạng chi tiêu ngân sách lãng phí, kém hiệu quả chưa ngăn chặn được triệt để. Chi để trả nợ công tăng nhanh, dự kiến năm 2015 lên đến 31% tổng chi ngân sách, làm hạn chế đáng kể khả năng đầu tư của nhà nước từ ngân sách, vốn đầu tư dựa nhiều vào trái phiếu Chính phủ.
Trong lĩnh vực ngân hàng, đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong ổn định tỷ giá, cung cấp tín dụng cho nông nghiệp, thủy sản, trong giải quyết nợ xấu... Tuy vậy, việc giải quyết nợ xấu chưa căn bản.
Các doanh nghiệp Việt Nam chưa có chiến lược hội nhập rõ ràng, chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, kinh doanh chủ yếu dựa vào "quan hệ", kiếm lợi nhuận thông qua chênh lệch địa tô đất đai, khai thác tài nguyên rừng biển, khoáng sản, năng lực cạnh tranh chủ yếu dựa vào khai thác lao động giá rẻ nên năng suất lao động thấp. Công nghiệp trợ giúp cho các ngành điện tử, cơ khí... chậm phát triển.
Ngành dịch vụ của Việt Nam còn lạc hậu về công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực chậm được nâng cao. Sắp tới, dịch vụ Việt Nam sẽ đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài trên hệ thống phân phối bán lẻ, ngân hàng, tài chính...
Nâng cao sức đề kháng cho nền kinh tế
Tất cả các yếu tố đó đòi hỏi năm 2015 phải có những chuyển biến mạnh mẽ hơn.
Năm 2015, dự kiến Việt Nam sẽ ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc, Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazacstan, hy vọng có thể ký kết hai Hiệp định rất quan trọng khác là Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2015. Tất cả các nhân tố đó tạo ra cơ hội và thách thức, đòi hỏi toàn bộ nền kinh tế nước ta phải nâng cao sức đề kháng, có phản ứng nhanh nhẹn, kịp thời và đúng đắn để tận dụng cơ hội, giúp tăng trưởng bền vững.
Để nâng sức đề kháng cho nền kinh tế, yếu tố cơ bản là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế nhà nước và thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh. Thực hiện công khai minh bạch, giảm hẳn tệ nạn tham nhũng, vòi vĩnh, nhũng nhiễu, tham ô, lãng phí, lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ, thực hiện cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật.
Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều cần phải tái cơ cấu mạnh mẽ, thực hiện chế độ quản trị hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về sở hữu trí tuệ, trách nhiệm xã hội... Song song đó, nhất thiết phải chuyển từ kinh doanh dựa trên các mối quan hệ, mang tính "chụp giật", ngắn hạn sang kinh doanh có chiến lược lâu dài, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, vận dụng khoa học-công nghệ và nâng cao chất lương nguồn nhân lực.
Chỉ thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh chúng ta mới nắm bắt được cơ hội, khai thác được các cơ hội đã mở ra trong khi sức ép cạnh tranh sẽ đương nhiên tới.
Lê Đăng Doanh
Chính Phủ
|