Chủ Nhật, 04/01/2015 09:10

Lạm phát thấp kỷ lục vẫn cao hơn Thái Lan, Malaysia

Lạm phát thấp nhất trong vòng 13 năm là một chỉ báo tích cực cho vĩ mô. Tuy nhiên, trong khu vực, lạm phát của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều nước như Thái Lan, Singapore...

Đừng vội mừng

Với con số 1,84%, lạm phát của Việt Nam năm 2014 được coi là thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây.

Chia sẻ tại hội thảo bàn về chủ đề mới được Viện Kinh tế tài chính tổ chức, bà Ngô Thị Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê phải thừa nhận, lạm phát thấp tới mức dưới 2% như năm nay là nằm ngoài mọi dự báo của các chuyên gia trong ngành. Trong năm, giá cả đã có những bước đi chậm, cũng có những cú giật mình nhưng xu thế âm liên tiếp những tháng cuối năm đã khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi quy luật giá bị phá vỡ.

Bà Dương cũng khẳng định chắc chắn, khi lạm phát thấp sẽ là cơ hội để phục hồi sản xuất. Kể cả sau khi loại trừ các yếu tố giá cả của xăng dầu, dịch vụ y tế, mức tăng lạm phát năm nay cũng chỉ trong khoảng 3-4%.

"Dù vậy, CPI tăng thấp là thấp so với chính chúng ta, còn trong khu vực thì dự báo CPI Việt Nam vẫn cao hơn Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Brunei. CPI của Việt Nam chỉ thấp hơn Indonesia, Lào, Myanmar và ngang với Campuchia, ", bà Dương cho biết.

"Đây là điều cần phải suy ngẫm, tìm lời giải vì sao cùng phụ thuộc vào giá thế giới, cùng điều kiện mở rộng hội nhập kinh tế, nhưng trong khu vực, biến động giá cả ở Việt Nam vẫn cao hơn các nước?" - bà Dương lưu ý.

Lạm phát thấp nhất trong vòng 13 năm là một chỉ báo tích cực cho vĩ mô

TS Ngô Trí Long cũng bày tỏ: "Đừng mừng vội, chúng ta mới thành công một nửa!".

Ông đánh giá: "Cái thành công là con ngựa bất kham giá cả đã trị được. Đây là một trong những dấu hiệu ổn định kinh tế vĩ mô. Cái chưa thành công là sự ổn định đó chưa phải là do năng suất và hiệu quả đầu tư tạo nên. Thực chất CPI giảm phần lớn do yếu tố khách quan và chính sách thắt chặt tiền tệ", ông Long nói.

Ông phân tích, gốc gác của giá là cầu. Mặc dù cầu tiêu dùng tăng nhưng cầu Chính phủ, cầu doanh nghiệp giảm. Như vậy, do thắt chặt chính sách tiền tệ nên cầu giảm. CPI thấp nhưng so với tiềm năng tăng trưởng thấp, GDP năm nay là 5,9%, tăng hơn 2 năm trước nhưng vẫn thấp so với năm 2010-2011, còn so với 2008-2009 thì tăng trưởng dưới mức tiềm năng. Nền kinh tế chúng ta mới có dấu hiệu phục hồi thôi, tăng trưởng rất vật vã, khó khăn.

Nỗi lo bùng phát: Không thể lơ là

Xâu chuỗi một chiều dài thời gian diễn biến lạm phát trong khoảng 15 năm, các chuyên gia kinh tế vẫn chỉ ra nhiều nghịch lý không thể lơ là.

TS Ngô Trí Long nói rằng: "Thách thức phía trước còn nhiều, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc. CPI giảm nên lãi suất giảm nhưng nghịch lý là ngân hàng lại đang thừa tiền. Một anh thừa một anh thiếu nhưng không gặp nhau".

Trong khu vực, lạm phát của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều nước như Thái Lan, Singapore...

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thúy Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng không đồng tình với nhận xét thắt chặt tiền tệ quá mức của TS Long.

Bà nói: "Thực tế năm nay, chính sách tiền tệ cũng đã có nới lỏng so với năm 2013. Trước đây, nhiều bài học cho thấy phải trả giá trong nới lỏng tính sách tài chính. Nếu loại bỏ yếu tố giảm giá đột biến của xăng dầu thì CPI chắc chắn cao hơn, khoảng 4%, không thể thấp như vậy được".

"Bức tranh CPI của Việt Nam không ổn định, năm cao năm thấp. Nhìn lại giai đoan từ năm 1999-2003, lạm phát từng rất thấp, có năm âm, sau đó lại bùng phát những năm sau thì liệu giai đoạn hiện nay có tái diễn như vậy không", bà Thanh nghi ngại.

Theo góc nhìn của bà Thanh, giai đoạn hiện nay cũng có những nét tương đồng như năm 1999-2003, giá xăng, lương thực thực phẩm... đều thấp. Điểm khác nhau là giai đoạn 1999-2003, Chính phủ không quan tâm đến kiểm soát lạm phát mà chú trọng kích thích tăng trưởng. Hậu quả là năm 2004, giá cả hàng hoá tăng, CPI quay lại tăng mạnh. Còn hiện nay, Chính phủ coi ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu, không đưa các giải pháp quá mạnh để tạo tăng trưởng lớn.

Trong khi đó, với ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội các siêu thị Hà Nội vẫn bày tỏ lo ngại: "Hàng hóa tiêu dùng ngoài thị trường vẫn ở mức giá cao rất vô lý, khâu trung gian chiếm đến 60% giá cả. Chi phí lưu thông cao. Lãi vay ngân hàng gửi vào 4,8% nhưng cho vay vẫn có nơi đến 12%, ngân hàng hưởng chênh lệch trên biên độ 3%. Như thế làm gì giá hàng hoá bên ngoài lại không cao", ông Phú cho biết.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát thấp kỷ lục năm nay có một phần cộng hưởng "may mắn" từ xu thế giảm giá của thế giới, một phần lón là những nỗ lực điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, những bài toán gốc của nền kinh tế vẫn phải sớm giải quyết, đó là tái cơ cấu quyết liệt hơn, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động... để tăng hiệu quả và tính cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Phạm Huyền

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   TPP huyền bí (03/01/2015)

>   Nhiều tín hiệu nền kinh tế bắt đầu phục hồi (03/01/2015)

>   Cần một cái lắc đầu dứt khoát (03/01/2015)

>   Thị trường hàng hóa Tết: Linh hoạt, nắm bắt nhu cầu người dân (02/01/2015)

>   Ông Vương Đình Huệ: Nhiều ‘chuyện lạ’ đang chờ 2015 (01/01/2015)

>   Đột phá thể chế - Tiền đề cho năm 2015 (31/12/2014)

>   Hàng bình ổn sẽ giảm giá theo xăng (31/12/2014)

>   Chấm điểm 9 tháng bứt phá cải thiện môi trường kinh doanh (30/12/2014)

>   Giỏ hàng của người tiêu dùng năm 2015 sẽ như thế nào? (29/12/2014)

>   Xăng dầu trong nước giảm 10%, GDP có thể tăng 0,91% (29/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật