Xuất khẩu tôm, cá vào Mỹ “lao đao” với thuế chống bán phá giá
Mới đây, phương pháp zeroing trong cách tính toán biên độ phá giá các lô hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) phán quyết là không phù hợp với quy định của WTO. Do đó Mỹ không được tiếp tục áp dụng phương pháp này, đồng nghĩa nhiều doanh nghiệp tôm Việt Nam có thể thoát thuế chống bán phá giá (CBPG) tại Mỹ. Tuy nhiên, đối với cá tra vẫn tiếp tục gặp khó khăn do phải gánh thuế CBPG đối với mặt hàng này ít nhất trong 5 năm nữa.
Tôm Việt Nam không bán giá phá
Kể từ năm 2004, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam phải chịu mức thuế CBPG liên tục trong 6 lần xem xét hành chính trước đó. Đến đầu tháng 9/2013, DOC công nhận toàn bộ 33 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 7 (POR7) đều không bán phá giá tôm trên trên thị trường Hoa Kỳ và các doanh nghiệp này đều nhận mức thuế 0%. Tuy nhiên, tháng 9/2014, DOC lại công bố kết quả chính thức đợt rà soát hành chính lần thứ 8 (POR8) về thuế CBPG đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với thuế suất cao bất thường.
Việc áp thuế CBPG có tính chất bảo hộ và thiếu công bằng của DOC trong những năm qua khiến các doanh nghiệp tôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, trong phán quyết mới đây, WTO đã đồng tình với 7/11 điều khoản mà Việt Nam khiếu kiện DOC trong cách tính thuế chống bán phá giá lên mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam xuất vào Mỹ, đặc biệt là về thủ tục điều tra và tính toán biên độ phá giá. Trong đó nội dung khiếu kiện quan trọng nhất là việc Mỹ sử dụng phương pháp zeroing đã tạo ra biên độ phá giá lớn cho sản phẩm, làm mức thuế bị đội lên, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Thực chất, zeroing là một phương pháp tính toán biên độ bán phá giá cho phép quy về 0 tất cả các giao dịch có biên độ phá giá âm. Việc DOC áp dụng phương pháp này đã gây thiệt thòi và bất công rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam vì với cách tính này thì doanh nghiệp nào cũng có biên độ phá giá trên 0%, tức có bán phá giá. Do đó, mức thuế CBPG của Mỹ đối với hầu hết các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam trong những năm qua được ấn định ở mức rất cao từ 4,13% đến 25,76% (trừ POR7).
Chính vì vậy mà từ năm 2004, Việt Nam đã khiếu kiện DOC lên WTO trong cách tính thuế chống bán phá giá lên mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam xuất vào Mỹ. Mới đây, trong phán quyết cuối cùng của mình, WTO cho rằng việc Mỹ sử dụng phương pháp zeroing trong vụ tôm xuất khẩu của Việt Nam là không phù hợp với quy định của WTO, do đó Mỹ không được tiếp tục áp dụng phương pháp này. Đồng thời khuyến nghị chính phủ Mỹ điều chỉnh các quy định phù hợp với Hiệp định CBPG của WTO cũng như Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994).
Như vậy, nếu DOC chấp nhận phán quyết này thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tính toán lại mức thuế CBPG từ lần xem xét hành chính POR4 (thời điểm gửi vụ kiện lên WTO) và mức thuế CBPG của các doanh nghiệp tôm Việt Nam sẽ bằng 0 (tức là không bán phá giá) và các lần tiếp theo cũng sẽ tương tự. Trong trường hợp doanh nghiệp nào có mức thuế CBPG bằng 0 trong ba lần liên tiếp thì sẽ thoát khỏi lệnh áp thuế CBPG theo quy định của DOC.
Cá tra tiếp tục gặp khó
Không được thuận lợi như con tôm, cá tra phi-lê Việt Nam xuất khẩu vào thị Mỹ tiếp tục gặp khó khăn do liên tục bị DOC áp thuế CBPG.
Vừa qua, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đã có quyết định cuối cùng về việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với cá tra, ba sa nhập khẩu từ Việt Nam sau khi rà soát thuế lần thứ hai đối với mặt hàng này. Theo đó, ít nhất 5 năm nữa, cá tra Việt Nam sẽ vẫn bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, trừ phi các đợt xem xét hàng năm DOC kết luận cá tra Việt Nam không bán phá giá vào Mỹ thì vụ kiện mới chấm dứt. Quyết định của ITC dựa trên kết luận của DOC cho rằng nếu thu hồi lệnh áp thuế chống bán phá giá có thể dẫn tới việc tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá tại thị trường Mỹ với biên độ phá giá có thể lên đến 63,88%.
Theo TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius), nguyên nhân khiến cá tra Việt Nam có giá bán tốt, có sức cạnh tranh cao với cá da trơn Mỹ là do Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho hoạt động nuôi cá tra, giá lao động rẻ, cùng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chứ không phải bán phá giá. Do đó, việc ITC và DOC dùng lệnh áp thuế chống bán phá giá để bảo hộ ngành sản xuất cá da trơn trong nước là không công bằng, bởi điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người dân sống lệ thuộc vào ngành cá tra ở vùng ĐBSCL của Việt Nam.
Mặc dù xuất khẩu cá tra vào Mỹ gặp nhiều khó khăn nhưng ngành chức năng và các doanh nghiệp đều cho rằng thị trường này vẫn rất quan trọng của ngành cá tra Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 18,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Thành Công
Báo Công Thương
|