Thứ Hai, 15/12/2014 06:31

Xe tải, taxi giảm cước, máy bay không chịu xuống giá vé?

Giá xăng dầu giảm là cơ hội cho các hãng hàng không tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận. Thế nhưng, việc khách hàng được hưởng lợi hay không thì chưa thấy, vì trên thực tế, chưa biết bao giờ giá vé mới giảm.

IATA - Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế - đại diện cho 250 hãng hàng không trên thế giới, chiếm 84% lượng lưu thông hàng không toàn cầu, vừa đưa ra tuyên bố, giá vé máy bay sẽ đồng loạt giảm 5,1 % vào năm tới.

Cơ sở nào để IATA đưa ra nhận định này? Tổng giám đốc Tony Tyler lý giải, đó là nhờ nhiên liệu liên tục giảm thời gian qua. Vì vậy, IATA kỳ vòng lợi nhuận của ngành công nghiệp hàng không toàn cầu năm 2015 sẽ lập kỷ lục, đạt mốc 25 tỷ USD. Năm nay, con số này là gần 20 tỷ USD, tăng gần 2 tỷ so với dự báo hồi tháng Sáu.

Đặc biệt, lợi nhuận ròng mà các hãng thu được từ mỗi hành khách trung bình là 7,08 USD, tăng khá so với 6,02 USD năm 2014 và gần gấp đôi so con số 3,38 USD của năm 2013.

Hiện có 2 DN trong nước tham gia cung cấp nhiên liệu bay cho các hãng ở sân bay nội địa

Rõ ràng, các hãng hàng không quốc tế, trong đó có Việt Nam, đang được hưởng lợi nhờ giá dầu giảm giá liên tục hơn 1 tháng qua. Tuy nhiên, để điều chỉnh giá vé giảm thì các hãng hàng không nội địa cho hay còn phải xem xét và trước mắt chưa có bất kỳ sự điều chỉnh nào.

Trả lời PV.VietNamNet, đại diện Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) thừa nhận, chi phí nhiên liệu hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí khai thác của các hãng hàng không (khoảng 37-38%) nên giá dầu giảm sẽ tạo cơ hội tốt cho các hãng trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Tuy nhiên, việc giá xăng tăng hay giảm đều được tính vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi hãng và được xem xét trong cả năm hoạt động. Khi giá xăng dầu giảm, hàng không cũng điều chỉnh phụ thu xăng dầu cho phù hợp, song, việc điều chỉnh sẽ căn cứ vào các yếu tố: xu hướng giảm là dài hạn hay tạm thời, giá dầu thô vào thời điểm hãng đặt mua (thông thường là trước đó nhiều tháng) và tương quan chung so với các hãng hàng không khác trên thị trường.

Giống các hãng khác, hiện Vietnam Airlines đang thực hiện thu phụ thu nhiên liệu trên các đường bay quốc tế. Khi giá xăng dầu giảm, các hãng sẽ xem xét điều chỉnh phụ thu nhiên liệu sẽ tạo cơ hội giảm giá vé và mang lại lợi ích cho khách hàng.

“Vietnam Airlines đang thu theo mặt bằng của các hãng khác và sẽ xem xét khi các hãng có điều chỉnh. Với các đường bay nội địa, hãng không thu phụ thu nhiên liệu”, đại diện Vietnam Airlines cho hay.

Chưa có động thái nào cho thấy các hãng hàng không sẽ giảm giá vé do giá xăng dầu giảm

Ông Nguyễn Tiến Sỹ, đại diện truyền thông của hàng không giá rẻ Jestar Pacific, phân tích, giá xăng dầu giảm đúng là cơ hội tốt các hãng tiết kiệm chi phí và có thể tăng lợi nhuận. “Đây là cơ hội để giảm giá vé nhưng không có nghĩa sẽ tác động ngay đến sản phẩm bán ra, bởi khi giá xăng tăng cả thời gian dài thì các hãng cũng không thể quyết định điều chỉnh tăng giá vé ngay được”, ông Sỹ lập luận.

Ngoài ra, với phương thức kinh doanh đặc thù giá rẻ, thì các hãng này cho rằng họ liên tục tung ra các chương trình khuyến mại, giá vé linh hoạt, giảm giá quanh năm thì khó có chuyện giá có thể giảm nữa.

Chưa kể, trong khi chi phí mặt đất vẫn đắt đỏ. Chẳng hạn, mỗi chuyến bay hiện nay VietJet Air phải trả hơn hai chục triệu đồng, cao hơn so với các hãng nội địa khác trong khi mỗi ngày khai thác 110 chuyến nên chi phí rất cao. Vì thế, gần như không có chuyện giảm giá vé máy bay nhờ xăng dầu giảm giá - đại diện hãng VietJet Air phản ánh.

Song, cũng không loại trừ khả năng các hãng hàng không đặt mua nhiên liệu bay theo phương thức hedging (giao dịch phòng ngừa rủi ro) với mức giá cao từ trước, nên kể cả giá xăng dầu giảm giá họ vẫn không được hưởng lợi, và đương nhiên, khách hàng vẫn phải bay với giá vé cao.

Hiện các hãng hàng không nội địa mua nhiên liệu bay theo hình thức ký hợp đồng với đơn vị cung cấp. Giá nhiên liệu được tính bằng giá xăng nhập về (nhập giá nào tính giá đó) cộng với phí tra nạp. Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, 10 tháng đầu năm nay, cả nước đã nhập hơn 1,014 triệu tấn xăng dầu, với trị giá 973.000 USD.

Giá dầu thô Brent gần đây đã giảm mạnh, tới hơn 40% kể từ tháng 6 năm nay. Đỉnh điểm là ngày 10/12 đã chạm mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua - 66 USD/thùng. IATA dự kiến, các hãng hàng không sẽ tiết kiệm được 12 tỷ USD, giảm còn 192 tỷ USD số tiền phải trả để mua nhiên liệu bay.

Ngọc Hà

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   Thêm bốn hãng hàng không khai thác đường bay đến Tân Sơn Nhất (15/12/2014)

>   Công nghệ quyết định sự gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp (14/12/2014)

>   Cần Thơ đầu tư 8.000 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thủy lợi (14/12/2014)

>   Bước tiến của DNNN? (14/12/2014)

>   Uber và “cú hích” thay đổi (14/12/2014)

>   Khơi thông những dòng chảy thương mại lớn (14/12/2014)

>   Kết thúc cơ bản đàm phán FTA Việt Nam và Liên minh Hải quan (14/12/2014)

>   Lơ mơ hội nhập: Cái gì cũng biết nhưng chẳng hiểu gì (14/12/2014)

>   Người Việt vừa làm vừa chơi! (14/12/2014)

>   Những quy định nổi bật của Luật Doanh nghiệp mới (13/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật