Uber và “cú hích” thay đổi
Trong vài tuần gần đây, Uber – một thương hiệu mới cho ngành vận tải taxi đã trở nên nổi tiếng ở Việt Nam. Nhiều người tò mò, tán thưởng và mong muốn mô hình kinh doanh sáng tạo này được chấp nhận.
Công tác quản lí nhà nước
Nhiều phân tích trên các phương tiện thông tin đã chỉ ra những ưu điểm của mô hình kinh doanh kiểu Uber, đại loại như chi phí thấp hơn, chất lượng cao hơn các hãng taxi thông thường, minh bạch và không có gian lận trong tính phí, hiệu quả về sử dụng năng lượng, bảo vệ môi trường... thậm chí là chống ùn tắc giao thông. Những ưu điểm này có lẽ là đúng và đáng trân trọng. Một số người có thẩm quyền của Việt Nam đã khẳng định rằng hoạt động của Uber phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Theo website của Tổng cục Thuế Việt Nam, Công ty TNHH Uber Việt Nam đã được UBND Tp. Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào quý 3 của năm 2014. Tuy nhiên, website này không cung cấp thông tin về ngành, nghề kinh doanh hay nội dung dự án đầu tư của Công ty TNHH Uber Việt Nam. Nhưng cho dù Uber đăng ký là một công ty taxi hay là một công ty công nghệ hoặc một công ty kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải thì rõ ràng Uber có hoạt động đầu tư được cấp phép trên lãnh thổ Việt Nam. Nếu đúng như vậy, khoản phí thu được từ dịch vụ môi giới vận tải của Uber sẽ được nộp thuế đầy đủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, xét ở góc độ cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải, thì mô hình kinh doanh taxi của Uber lại có nhiều lợi thế.
Kinh doanh taxi của Uber không chính danh nên không phải vất vả để có được 1 giấy phép kinh doanh taxi ở các đô thị lớn (như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) khi gia nhập thị trường như các hãng taxi truyền thống khác. Xe taxi của Uber không có biển hiệu taxi nên họ có những lợi thế khi di chuyển ở các tuyến phố cấm taxi, hạn chế taxi trong giờ cao điểm, không phải chịu thanh tra, kiểm tra như các hãng taxi khác... Điều này tác động khá nhiều vào giá thành taxi của Uber cũng như các lợi thế cạnh tranh khác.
Nhiều vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước. Đó là, buộc Uber và những lái xe của Uber phải chịu chung những khó khăn, yêu cầu khi gia nhập thị trường mang tính hành chính, quản lý nhà nước mà các hãng taxi truyền thống đang thực hiện, gánh chịu hay cơ quan quản lý nhà nước phải bỏ hẳn những khó khăn, yêu cầu đó cho mọi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi để tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng?
Sự an toàn của hành khách
Xét trên khía cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì mối quan hệ của Uber với hành khách chỉ là môi giới thương mại. Những lái xe (hay DN vận tải mà Uber không tiết lộ danh tính) phải tự chịu trách nhiệm về dịch vụ vận tải với hành khách, còn Uber thì không? Mối quan hệ vận chuyển có tính hợp đồng là giữa lái xe và hành khách, không phải là Uber với hành khách. Nếu sự cố xảy ra trong quá trình vận chuyển, lái xe và hành khách tự giải quyết với nhau. Thật là nan giải cho hành khách khi phải nhờ cậy tới Uber để giải quyết việc này với lái xe chứ không phải là “bắt đền” Uber.
Sự an toàn của hành khách khi sử dụng phương tiện taxi cũng là một vấn đề lưu tâm. Nếu các hãng taxi truyền thống buộc phải có những biện pháp như lắp hộp đen, tần số, quản lý tài xế, chất lượng an toàn của phương tiện… để bảo đảm sự an toàn của hành khách theo quy định của pháp luật, xảy ra sự cố, các hãng taxi truyền thống phải có ngay dữ liệu để truy tìm chiếc xe hoặc tài xế. Còn Uber thì phụ thuộc nhiều vào chiếc điện thoại thông minh(smartphone) của lái xe. Chiếc điện thoại này không phải là một vật gắn liền vào với xe hay với lái xe nên dữ liệu được cung cấp nhiều khi có sai lạc. Như vậy, khách hàng cần phải cân nhắc tới các yếu tố này khi lựa chọn dịch vụ.
Ngoài ra, mô hình kinh doanh taxi kiểu Uber không bị áp đặt những biện pháp quản lý chất lượng dịch vụ và hoạt động taxi theo như mô hình kinh doanh taxi truyền thống, ví dụ quản lý theo màu của xe (taxi của New York là màu vàng, taxi của Berlin là màu trắng kem), quản lý theo hộp đen, tần số vô tuyến, quản lý lái xe theo hồ sơ có xác nhận của chính quyền địa phương… Như vậy, chi phí tuân thủ pháp luật của mô hình taxi Uber sẽ thấp hơn nhiều so với mô hình taxi truyền thống.
Cơ quan chức năng xử lý xe kinh doanh dịch vụ “taxi Uber” mới đây.
|
Xét ở góc độ quản lý phương tiện, mô hình taxi Uber sẽ tối ưu hóa việc sử dụng phương tiện. Trong bối cảnh xe hơi ở Việt Nam có giá thành vào loại cao trên thế giới, thì việc chấp nhận làm lái xe cho Uber có lẽ là những người lái xe chuyên nghiệp hơn là các chủ sở hữu xe (bao gồm xe công và xe tư).
Như vậy, việc quản lý xe của chủ xe trong tương lai sẽ phải chặt chẽ hơn, có kiểm soát hơn để tránh việc lái xe không phải chủ xe sử dụng phương tiện vào việc kinh doanh taxi không được phép. Việc lái xe sử dụng xe để kinh doanh taxi trái phép không chỉ gây nên những thiệt hại về nhiên liệu, hao mòn mà còn có thể có những rủi ro khác mà những người chủ xe phải gánh chịu, như tai nạn, bồi thường…
Xét trên nhiều góc độ, mô hình kinh doanh taxi kiểu Uber là rất sáng tạo và đáng được ủng hộ. Chấp nhận mô hình này, các thể chế liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp taxi truyền thống, doanh nghiệp dịch vụ hỗ trợ vận tải, doanh nghiệp phần mềm và cả cộng đồng khách hàng taxi cần phải có nhiều thay đổi để thích nghi và tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và sáng tạo.
Phương thức quản lý hoạt động vận tải cũng phải đổi mới vừa bảo đảm được sự chặt chẽ nhưng vừa có chi phí thấp để người tiêu dùng chọn lựa.
LS Nguyễn Quang Hưng - LS Nguyễn Thùy Dương
Vietnamnet
|