Niềm vui cuối năm của dệt may
Tin vui cho ngành dệt may khi nhiều doanh nghiệp ngành này đang đón nhận dồn dập đơn hàng xuất khẩu trong năm 2015.
Sản xuất veston xuất khẩu tại Tổng công ty CP May Nhà Bè.
|
Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng quá tải vì đơn hàng về nhiều.
Thay vì chạy theo số lượng như những năm trước, một số doanh nghiệp đã tính toán để có thể tỉnh táo lựa chọn từng đơn hàng phù hợp với năng lực và thế mạnh của mình nhằm tạo ra giá trị gia tăng ở mức tốt nhất.
Không còn “lực” để nhận hợp đồng
Đơn hàng chuyển từ Trung Quốc
Theo các doanh nghiệp may xuất khẩu, xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang VN ngày một rõ nét hơn trong mùa hàng năm 2015. Chính sự chuyển hướng ồ ạt này khiến năng lực cung ứng của rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng quá tải.
Theo ông Võ Quốc Hào - giám đốc điều hành Công ty CP may Bình Minh, đến giữa năm 2015 công ty mới hoàn tất việc nâng công suất sản xuất thêm 40% so với hiện tại, “sau khi đối tác đã chấp thuận phương án công ty chuẩn bị hạ tầng, còn họ đầu tư máy móc thiết bị để công ty tăng năng lực sản xuất cho họ”.
|
Vừa ký duyệt xuất hàng cho các hợp đồng cuối cùng của năm 2014, ông Ngô Đức Hòa - phó tổng giám đốc Tổng công ty dệt may Thắng Lợi - đã kịp nghe báo cáo nhanh từ bộ phận xuất nhập khẩu xác nhận kế hoạch đặt hàng từ các khách hàng Nhật, Mỹ, EU - ba thị trường xuất khẩu chủ lực hiện nay của Thắng Lợi - đã được thỏa thuận đến hết quý 1-2015.
“Họ muốn xác nhận năng lực của mình để còn lên kế hoạch đặt hàng. Với yêu cầu này, mỗi tháng chúng tôi phải xuất được khoảng 300.000 sản phẩm mới kịp tiến độ” - ông Ngô Đức Hòa chia sẻ.
Theo nhẩm tính của ông Hòa, chỉ riêng trong quý 1-2015 công ty phải xuất khẩu tổng cộng 900.000 sản phẩm, bao gồm áo sơmi và quần thời trang, “lượng đặt hàng đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Với cơ cấu 50% cho phương thức FOB (mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng trực tiếp), 50% cho may gia công, ông Hòa xác nhận nhà đặt hàng chỉ đồng ý tăng thêm 5-7% cho các hợp đồng thực hiện gia công.
Tương tự, Tổng công ty 28 (Agtex 28) cũng nhận được thỏa thuận đặt hàng đến hết quý 2-2015 với cơ cấu đặt hàng 60% đến từ khách EU, 30% đến từ Mỹ, tỉ trọng còn lại dành cho nhà đặt hàng Nhật và một số thị trường nhỏ khác.
Chuyên sản xuất áo sơmi, veston và quần áo bảo hộ lao động, “95% đơn hàng của công ty được thực hiện theo phương thức FOB, lại làm cho khách quen thuộc bấy lâu nên gần như không còn đủ năng lực để đáp ứng cho các khách đặt hàng khác dù họ rất muốn hợp tác với mình” - ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc điều hành Agtex 28, thông tin.
Tổng công ty CP May Nhà Bè (NBC) cũng đã làm xong kế hoạch xuất khẩu năm 2015 với trị giá lên đến 640 triệu USD, tăng 15-20% so với mức thực hiện của năm 2014. Tương tự, Công ty CP may Bình Minh đã thỏa thuận xong với nhà đặt hàng Nhật về lượng hàng thực hiện đến gần hết quý 2-2015.
Chọn đơn hàng giá cao
Theo ông Phạm Xuân Hồng - chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, xu hướng quá tải đơn hàng, đặc biệt ở những doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, chất lượng sản phẩm đạt độ tín nhiệm cao, gần như đang diễn ra trên diện rộng.
Tuy nhiên, thách thức không nhỏ mà doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải đối mặt là sự vươn lên ấn tượng của Myanmar, hay từ các đồng nghiệp truyền thống Trung Quốc, Bangladesh, Sri Lanka, Ấn Độ về sự đa dạng chủng loại đơn hàng, mức giá thực hiện.
Trước sự cạnh tranh trên, ông Võ Quốc Hào - giám đốc điều hành Công ty CP may Bình Minh - cho rằng “doanh nghiệp cần chủ động đánh giá, tỉnh táo lựa chọn từng đơn hàng phù hợp với năng lực và thế mạnh của mình để tạo ra giá trị gia tăng ở mức tốt nhất”.
Lấy ví dụ ở công ty mình, ông Hào cho biết công ty quyết định thực hiện hợp đồng FOB mặt hàng áo sơmi cho khách đặt hàng Nhật với giá 15-25 USD/áo, thay vì chọn làm cho khách Mỹ giá chỉ ở mức 5-6 USD/áo. “Chúng tôi chấp nhận làm lâu, làm kỹ nhưng giá trị sản phẩm cao vẫn có lợi hơn rất nhiều nếu nhận làm hàng có giá trị thấp.
Khách đặt hàng biết tay nghề công nhân Bình Minh rất giỏi nên lựa hàng cao cấp để đặt, ai cũng có lợi” - ông Hào phân tích.
Hay với Agtek 28, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết đang có chương trình hợp tác với Công ty Sotoh (Nhật) để sản xuất vải len nhằm dần thay thế việc nhập khẩu vải. “Đối tác sẽ dùng vải này để công ty thực hiện sản phẩm veston cho họ. Còn công ty sẽ cải thiện thêm mức giá trị gia tăng do hợp đồng thực hiện theo phương thức FOB, bình quân 40-70 USD/bộ veston” - ông Hùng tiết lộ.
NBC cũng có sự đột phá ngoạn mục cho các đơn hàng thực hiện năm 2015 khi giảm tỉ lệ gia công còn 20% thay cho mức 35% của năm ngoái.
Điều chỉnh tỉ lệ FOB còn 60% để mở rộng thêm 20% cho phương thức ODM (thiết kế trên ý tưởng sẵn có, sản xuất) nhằm tăng hiệu quả chủ động tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu “vừa đón đầu ưu đãi từ các hiệp định sắp được ký kết với Mỹ và EU, vừa tạo thêm được phần lợi nhuận thay vì chỉ làm gia công như trước đây” - ông Nguyễn Ngọc Lân, phó tổng giám đốc NBC, nhận định.
Trần Vũ Nghi
tuổi trẻ
|