Xin đừng "vay" của tương lai!
Nhân loại đang ra sức phát triển kinh tế để làm giàu, tạo điều kiện tốt nhất cho thế hệ con cháu và hướng tới một chuẩn mực sống văn minh hơn. Bởi vậy, thang điểm đánh giá mức độ văn minh của một quốc gia là có thu nhập ngày càng cao kết hợp với môi trường trong sạch, bảo đảm phát triển hài hòa.
Thế nhưng trong thực tế, thế hệ ngày nay đã đang và tiếp tục phải trả cái giá quá đắt cho những sai lầm, thậm chí là tội lỗi do sự phá hủy môi trường trong quá khứ và những quyết định "ăn xổi" với mục đích tăng trưởng kinh tế thuần túy. Tất cả có căn nguyên giống nhau là tầm nhìn hạn chế, thiếu ý thức trách nhiệm, tâm lý tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, chạy theo thành tích, coi thường chất lượng đời sống dân sinh…
Nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc sau khi "hóa Rồng" đã phải chi rất nhiều tiền để làm sạch môi trường, khắc phục những sai lầm của một thời "nông nổi". Nhưng "họ là họ, ta là ta". Có vẻ như những bài học từ Nhật Bản, Hàn Quốc không tác động bao nhiêu đến Việt Nam.
Ngày xưa dòng sông nào cũng có thể đưa thuyền thong thả xuôi dòng, con trẻ tha hồ tắm mát. Nhưng nay, mấy ai còn được hưởng thú tắm sông. Sông Nhuệ, sông Đáy hay sông Cầu không còn như thi, họa, nhiều chỗ đen ngòm, sủi bọt rồi bốc mùi nồng nặc. Nhiều vùng đất cũng thoái hóa qua thời gian, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Các nhà máy đang tiếp tục phá hủy môi trường. Con người phải hứng chịu, hứng đủ bệnh tật phát sinh nhiều hơn.
Theo quy định, mỗi dự án trước khi đi vào hoạt động đều phải có phương án bảo vệ môi trường, nước hay khí thải phải được thanh lọc qua quy trình nghiêm ngặt. Tuy nhiên, thực tế như thế nào thì hết thảy đã biết, không phải nói thêm. Và nguyên nhân là cung cách quản lý nửa vời, yếu kém và thiếu kiên quyết. Nhiều người cho rằng, trong khi các loại tội phạm khác đều có thể bị xử lý nặng, nhưng tội phá hủy môi trường thì chỉ xử lý như "gãi ghẻ"; không đủ sức răn đe. Bao giờ mới hết cảnh xin "tạm ứng" của tương lai?
Kính Lúp
hà nội mới
|