Việc cào bóc đường thuộc Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ: Không làm tăng tổng mức đầu tư
Chiều nay (12-12), Bộ GTVT và Ban QLDA Thăng Long (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý dự án) đã có buổi trao đổi với các cơ quan thông tin đại chúng về tiến độ thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ (TP Hà Nội) theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).
Tại buổi họp báo
|
Đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết: Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 29km, vận tốc thiết kế 100km/h. Trong đó giai đoạn I cải tạo, nâng cấp kết cấu mặt đường chính tuyến đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới; tận dụng đường hiện tại với bề rộng nền đường 25m. Giai đoạn II xây dựng, mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 33,5m; xây dựng đường gom song hành hai bên với bề rộng nền đường 6,5m. Dự án có tổng mức đầu tư trên 6.700 tỷ đồng. Liên danh nhà đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư phát triển Minh Phát- Tổng công ty Cienco1-Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành. Theo kế hoạch, giai đoạn I sẽ hoàn thành vào tháng 12-2015; giai đoạn II hoàn thành vào cuối năm 2017 để tới đầu năm 2018 đưa vào khai thác. Tuy nhiên, Bộ GTVT và Ban QLDA Thăng Long đã yêu cầu nhà đầu tư và các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc thiết bị, vật liệu, tài chính, thi công 3 ca liên tục, phấn đấu hoàn thành giai đoạn I vào ngày 30-6-2015 (rút ngắn tiến độ khoảng 6 tháng).
Tại buổi trao đổi, một số phóng viên đã đặt câu hỏi vừa qua tại sao dự án phải cào bóc lớp cấp phối đá dăm và thay bằng kết cấu mới? Việc thay đổi này có làm lãng phí và tăng tổng mức đầu tư? Trước câu hỏi này, ông Vũ Xuân Hòa-Tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết: các đơn vị thi công tổ chức thí điểm 3 đoạn với tổng chiều dài khoảng 1km. Tuy nhiên, kết quả không như mong muốn và quá trình thi công đã gây mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng tới các phương tiện tham gia giao thông nên Ban đã yêu cầu dừng ngay việc tôn cao trên mặt đường cũ bằng lớp cấp phối đá dăm, thay thế bằng lớp bê tông nhựa rỗng. Với các đoạn đã thi công lớp cấp phối đá dăm, nhà thầu khẩn trương cào bóc và làm lại bằng lớp kết cấu mới. Tiến độ phải hoàn thành trước ngày 15-12. Việc thay đổi thiết kế vẫn phải bảo đảm chất lượng, an toàn và công tác duy tu, bảo trì sau này. Việc thay đổi không làm đổi tổng mức đầu tư. Với lớp cấp phối đá dăm cào bóc lên sẽ đưa vào các phần đường gom của giai đoạn II nên cũng sẽ không lãng phí. Cho đến thời điểm này, tiến độ và chất lượng vẫn đang được kiểm soát.
Về công tác bảo đảm ATGT, ban đầu, nhà thầu tự bố trí lực lượng nhưng sau đó không hoàn thành nhiệm vụ nên Ban QLDA Thăng Long đã yêu cầu nhà đầu tư ký hợp đồng chính thức với một đơn vị chuyên nghiệp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ATGT trên toàn tuyến.
Trước đó, (ngày 11-12), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã nghiêm khắc phê bình nhà đầu tư và các đơn vị liên quan đã để xảy ra tình trạng thi công mất ATGT, ùn tắc giao thông, ảnh hưởng vệ sinh môi trường và việc đi lại của người dân trên tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ. Các đơn vị thi công, thiết kế, giám sát thi công cũng chưa làm tròn trách nhiệm, thiếu chuyên nghiệp trong công việc đã để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, mất vệ sinh trên tuyến này. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phải rà soát lại thiết kế, phê duyệt tiến độ thi công từng tháng, từng tuần, tổ chức tốt hơn nữa biện pháp thi công và bảo đảm ATGT, cũng như vệ sinh môi trường trong quá trình vừa thi công vừa khai thác. Do đặc thù lượng phương tiện di chuyển trên tuyến đông đúc nên chỉ thi công từng đoạn khoảng 500m, sau khi hoàn thành mới làm tiếp đoạn sau. Các nhà thầu tập trung đủ lực lượng thiết bị, tính toán thời gian thi công phù hợp, tính toán thời gian thi công đêm để đẩy nhanh tiến độ dư án.
Tuấn Lương
Hà Nội Mới
|