Thứ Năm, 11/12/2014 21:30

Xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết

Ngày 11/12, Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng đại diện các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Kinh tế Trung ương cùng các chuyên gia kinh tế đã đi khảo sát khu vực quy hoạch xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành và làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về dự án trên.

* Ấn nút nào cho sân bay Long Thành?

* "Nóng" xung quanh khu vực dự kiến xây dựng sân bay Long Thành

Các đại biểu thảo luận về dự án sân bay Long Thành

Trên 4.500 hộ dân nằm trong vùng dự án

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, Dự án sân bay quốc tế Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vị trí, phân khu chức năng vào năm 2005. Dự án được đầu tư nằm trên địa giới hành chính của 6 xã thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, với diện tích 5.000ha.

Mục tiêu của dự án là xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành trở thành cảng hàng không quốc tế cấp F4, có công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư của dự án là 18,7 tỷ USD chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 đến năm 2025 xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm với 2 đường cất hạ cánh song song. Khi đưa vào sử dụng cảng hàng không trong giai đoạn này sẽ hỗ trợ sự quá tải của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Giai đoạn 2 đến năm 2030 sẽ xây dựng đường cất hạ cánh thứ ba và nhà ga thứ 3 với công suất 50 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 3 sau năm 2030, xây dựng đường cất hạ cánh thứ tư, nhà ga thứ tư với công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Khi triển khai, Dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ ảnh hưởng đến khoảng 4.540 hộ dân với trên 14.400 nhân khẩu.

Theo điều tra của tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm hiện nay có 99,9% số hộ dân có ý kiến đồng thuận với chủ trương thực hiện dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, chỉ có 25 ý kiến không ủng hộ. Đồng thời, các hộ dân được điều tra cũng thể hiện nguyện vọng mong muốn dự án sớm được triển khai thực hiện để người dân ổn định cuộc sống.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết nguồn kinh phí để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án là 13.097 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án có diện tích thu hồi đất là trên 2.500ha thuộc địa bàn 4 xã Bình Sơn, Long An, Suối Trầu và xã Cẩm Đường, huyện Long Thành. Giai đoạn này sẽ có 1.800 hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng dự toán bồi thường giải phóng mặt bằng giai đoạn này là trên 5.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 của dự án có diện tích đất bị thu hồi là gần 2.500ha, với trên 2.700 hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng dự toán bồi thường giải phóng mặt bằng giai đoạn này khoảng trên 8.000 tỷ đồng.

Sự cần thiết và tính cấp thiết

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành và các chuyên gia kinh tế đều cho rằng việc xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết. Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho rằng, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án cần thiết và cấp thiết. Dự án đã được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt từ năm 2005 đến nay đã được 9 năm.

Trong khi nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ là một dự án nằm trong quy hoạch tổng thể của cả vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ. Ông Dương Trung Quốc đặt vấn đề “giả sử Quốc hội với chức năng của mình, nếu không chấp thuận làm dự án này, sẽ gây lãng phí rất lớn cho việc quy hoạch trong nhiều năm nay. Lẽ ra dự án này phải được làm sớm hơn rất nhiều so với thời điểm hiện nay.” Có đại biểu cho rằng, sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay có 2 đường băng cất hạ cánh, tuy nhiên trên thực tế sử dụng, chỉ mới có 1 đường băng. Vì khi đường này cất cánh, đường khác phải chờ và mục đích của đường còn lại chỉ là dự phòng. Do đó, với xu thế phát triển như hiện nay, việc đầu tư sân bay Long Thành là cần thiết vì trong ít năm nữa Tân Sơn Nhất sẽ quá tải.

Cũng có đại biểu cho rằng dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết tuy nhiên cũng cần xem lại tính cấp thiết. Cần có đánh giá một cách cụ thể những điểm nghẽn của sân bay Tân Sơn Nhất để có thể tháo gỡ và tiếp tục khai thác.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên Ủy Ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng: Chúng ta cần phải xem lại tính cấp thiết. Hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất đang nghẽn chỗ nào, vì yếu tố tắc nghẽn trên không hay nghẽn dưới đất. Phải xem xét thấu đáo để có thể tiếp tục khai thác sân bay này và lùi thời hạn đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Có đại biểu cho rằng, nếu cảng hàng không quốc tế Long Thành được đầu tư thì bài toán tái định cư và ổn định cuộc sống của người dân trong vùng bị ảnh hưởng sẽ là gánh nặng đè lên vai Đồng Nai. Sân bay thì của cả nước, tuy nhiên đối với vấn đề tái định cư và an sinh xã hội thì sẽ là vai trò trách nhiệm rất lớn của Đồng Nai.

Vấn đề này Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, Đinh Quốc Thái cho rằng, hiện nay tỉnh đã có đánh giá đối với vấn đề này với việc quy hoạch chi tiết hai khu tái định cư lớn để có thể bố trí gần như toàn bộ số hộ dân giải tỏa trắng vào khu vực này.

Cụ thể, đối với phương án tái định cư cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi dự án, đến nay Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tiến hành xây dựng 2 khu tái định cư gồm: khu Lộc An-Bình Sơn có diện tích trên 282ha và khu tái định cư Bình Sơn với diện tích 282ha.

Vị trí hai khu tái định cư trên nằm khu vực phía bắc sân bay, cạnh các trục giao thông kết nối chính với tổng mức đầu tư 5.390 tỷ đồng. Khi hoàn thiện, hai khu tái định cư trên sẽ bố trí cho trên 3.500 hộ dân sinh sống. Bên cạnh, hiện Đồng Nai cũng đang tiến hành các bước để thực hiện việc đào tạo, chuyển đổi nghề cho những người bị ảnh hưởng bởi dự án.

Tại buổi làm việc, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia, do đó người dân trong vùng dự án cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của dự án này. Tuy nhiên, do dự án được phê duyệt quy hoạch từ 2005, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.Vì vậy, người dân và chính quyền Đồng Nai mong muốn dự án sớm được triển khai.

Để đảm bảo việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án theo đúng tiến độ và quy định của Luật đất đai 2013, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tách tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân bị thu hồi đất thuộc dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giao cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư.

Sau khi dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành được thông qua, Ủy ban Nhân dân Đồng Nai cũng kiến nghị Thủ tướng bố trí vốn để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực chuẩn bị dự án của Đồng Nai cũng như thực hiện các phương án tiền khả thi đối với dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Những ý kiến đóng góp tại buổi làm việc sẽ được chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét. Ông Giàu cũng đồng tình với tỉnh Đồng Nai trong việc, nếu dự án được được triển khai thì Chính phủ cân nhắc tách tiểu dự án đền bù, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ đời sống của người dân để Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư.

Sỹ Tuyên

vietnam+

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể chạm mốc 24,5 tỷ USD (11/12/2014)

>   Nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu giảm ở hầu khắp các thị trường (11/12/2014)

>   Các doanh nghiệp nước ngoài có nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam (11/12/2014)

>   Tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp (11/12/2014)

>   Doanh nghiệp điện máy đua nhau giảm giá (11/12/2014)

>   EVN dự báo sản lượng điện vượt chỉ tiêu kế hoạch (11/12/2014)

>   Giám sát chặt giá sữa bán lẻ (11/12/2014)

>   Phó Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước (10/12/2014)

>   Kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (10/12/2014)

>   Kim ngạch thương mại Việt-Nga sẽ vượt 10 tỷ USD vào năm 2020 (10/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật