Nhập hàng EU coi chỉ dẫn địa lý
171 tên rượu, pho mát, dầu ô liu sắp được công nhận cho EU.
Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) thì Liên minh châu Âu (EU) gửi yêu cầu Việt Nam công nhận 171 chỉ dẫn địa lý (CDĐL) của EU, trong đó chủ yếu là rượu vang, rượu mạnh, pho mát, dầu ô liu, bia... CDĐL là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Việt Nam bảo hộ 46 chỉ dẫn địa lý
Từ năm 2001 đến nay Việt Nam bảo hộ 46 CDĐL, trong đó 42 của Việt Nam, chỉ có bốn CDĐL nước ngoài được công nhận là rượu Cognac (Pháp), rượu Pisco (Peru), rượu Scotch whisky (Scotland), tơ tằm Isan Thái Lan.
Một trong những nguyên nhân gây khó công nhận CDĐL nước ngoài là hệ thống pháp luật khác nhau. Ví dụ, một loại rượu N. của Mỹ đề nghị công nhận tại Việt Nam hơn bốn năm qua vẫn chưa có kết quả. Trong khi đó, hệ thống pháp luật để công nhận CDĐL của EU và Việt Nam tương đồng nên dễ thực hiện hơn.
Một chuyên viên quản lý về CDĐL của Cục Sở hữu trí tuệ cho hay EU có hàng ngàn CDĐL, trong đó có nhiều nông sản, thủy sản, sản phẩm qua chế biến. Khi đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa hai bên thì EU đề nghị Việt Nam công nhận cho họ 171 CDĐL, chủ yếu là các mặt hàng có tính thương mại cao như rượu, bia, pho mát, dầu ô liu.
Cần nhanh chóng đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thanh long tại thị trường xuất khẩu. Ảnh: QUANG HUY
|
Chuyên viên này cho biết các công ty đang nhập khẩu rượu, bia, pho mát, dầu ô liu... nên tìm hiểu danh sách này (Cục đã đăng công báo trên website của Cục), có thể phản hồi với Cục về sự phù hợp hay không phù hợp nếu công nhận CDĐL bất kỳ nào trong danh sách (trước 31-12-2014).
Ngoài ra, các công ty nhập khẩu, phân phối nên tìm hiểu kỹ về quyền và nghĩa vụ trong thương mại có liên quan đến CDĐL. Có thể xảy ra trường hợp sau khi được công nhận CDĐL, một bên có quyền sẽ ra yêu cầu cấm bên kia nhập khẩu sản phẩm có CDĐL. Tại EU, các CDĐL thường được quản lý bởi các hiệp hội ngành hàng và những hiệp hội này có sức ảnh hưởng đến các quyền mua đi, bán lại, phân phối độc quyền...
Thậm chí các công ty nên xem lại những mặt hàng mình đang nhập có các dấu hiệu nào vi phạm CDĐL hay không. Ví dụ, dầu ô liu có sử dụng chữ “Baena” hay “Antequera” (CDĐL của Tây Ban Nha), Kalamata (Hy Lạp); pho mát có ghi Roquefort (Pháp), Asiago (Ý); kiwi Latina (Ý), táo Mela (Ý); tên rượu Champagne, Bordeaux (Pháp)... Nếu sản phẩm có sử dụng các tên trong danh sách mà gây hiểu nhầm về nguồn gốc sản phẩm thì có thể bị xử lý vi phạm.
Có qua có lại
EU hiện chỉ mới công nhận CDĐL nước mắm Phú Quốc của Việt Nam. Trong đàm phán, Việt Nam cũng yêu cầu EU công nhận 41 CDĐL khác của mình và phía EU cũng thực hiện quy trình tương tự là đăng công báo, chờ phản hồi...
Sản phẩm được bảo hộ CDĐL của Việt Nam chủ yếu là nông sản thuần như cam Vinh, bưởi Đoan Hùng, cà phê nhân Buôn Ma Thuột, gạo Tám Xoan Hải Hậu, thanh long Bình Thuận, vải thiều Thanh Hà, xoài cát Hòa Lộc... Một số ít là sản phẩm đã qua chế biến như nước mắm Phú Quốc, mắm tôm Hậu Lộc, nón lá Huế, thuốc lào Tiên Lãng...
Cục Sở hữu trí tuệ cho biết việc công nhận CDĐL ở EU có thể giúp nông sản Việt thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường rộng lớn này. Theo báo cáo của Cục, ngay ở trong nước, nông sản được bảo hộ CDĐL có lợi thế hơn, ví dụ cam Vinh tăng giá 50% ngay sau khi đăng bạ CDĐL, chè Tân Cương có bao bì mang CDĐL có giá bán cao hơn 1,5 lần so với chè không có CDĐL.
Sản phẩm chỉ dẫn địa lý đều có đặc trưng
Để được bảo hộ CDĐL, sản phẩm phải được chứng minh có đặc trưng so với sản phẩm cùng loại (có qua kiểm nghiệm, cân đong đo đếm được) và đặc trưng đó là do địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, con người mà hình thành nên.
Ví dụ, pho mát Roquefort là pho mát màu xanh làm từ sữa cừu nguyên chất chưa tiệt trùng, sữa phải lấy từ giống cừu truyền thống. Trong khi đó, pho mát Asiago là pho mát cứng làm từ sữa bò, được lên men bằng dịch vị của con bê, còn pho mát Parmigiano Reggiano thì làm từ sữa con bò được chăn nuôi trên đồng có loại cỏ linh lăng và sữa đó phải được vắt hai lần, có đun sôi...
Rượu Bordeaux có các loại nguyên chất, trắng có đường, hồng, đỏ nhạt và đỏ. Vùng sản xuất rượu nho (vùng trồng nho) Bordeaux là vùng CDĐL được bảo hộ lớn nhất của Pháp.
Gây nhầm lẫn về CDĐL sẽ bị phạt
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, việc xử lý vi phạm về CDĐL vẫn thường được kiểm tra, thực hiện. Ý thức tôn trọng CDĐL của người dân, doanh nghiệp cũng tăng dần. Tại Việt Nam, năm 2011 có 39 vụ vi phạm nhưng các năm 2013 và 2014 chỉ có hai vụ.
|
Quỳnh Như
pháp luật tphcm
|