Xét xử “bầu” Kiên: Các luật sư viện dẫn nhiều chứng cứ chứng minh các bị cáo vô tội
Ngày 9.12, phiên toà Phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm được tiếp tục với phần tranh luận của luật sư với hội đồng xét xử.
Các luật sư bào chữa tại phiên toà ngày 9.12
|
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên, luật sư Ngô Huy Ngọc cho rằng về tội lừa đảo, cơ quan tố tụng không thu thập đầy đủ chứng cứ liên quan, không đưa vào phần ghi chép của bà Lâm về cuộc họp của bị cáo Kiên với đại diện ACB về việc giải chấp 20 triệu cổ phiếu cũng như tài liệu xác định ACBI có thực hiện đúng đủ thủ tục thế chấp 20 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, việc đánh giá chứng cứ nhiều sai lầm, không thể hiện đúng bản chất vụ án, việc nhận định bị cáo Kiên có phương hướng giải quyết khi biết 20 triệu cổ phiếu chưa giải chấp là không đúng.
"Việc quy kết ACBI vi phạm cam kết tại điểm A khoản 1 hợp đồng ngày 21.5 là không đúng vì tại thời điểm chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu thuộc quyền sở hữu của ACBI và chưa được chuyển nhượng cho bất kỳ ai và không thực hiện bất kỳ bảo đảm nào như các luật sư khác đã chứng minh" - luật sư Ngọc cho biết.
Ngoài ra, tại bản án sơ thẩm còn đề cập đến việc bị cáo Kiên chiếm đoạt 264 tỉ đồng là quy chụp. "Tiền được chuyển qua tài khoản ACBI chứ ko phải cho Kiên, tiền đã sử dụng đúng theo pháp luật. Việc cho rằng Kiên chỉ đạo tiền theo mục đích khác nhau là không đúng diễn biến sự việc, Kiên chỉ là người duyệt chi tiêu định kỳ hàng tháng đối với hợp đồng của ACB với tư cách Chủ tịch. Sai lầm của cơ quan tố tụng là ở việc thu thập và đánh giá chứng cứ" - luật sư Ngọc nhấn mạnh.
Về tội danh trốn thuế của Nguyễn Đức Kiên, liên quan đến việc thu thập chứng cứ, luật sư Ngọc cho rằng cơ quan tố tụng đã không thu thập đủ chứng cứ liên quan để xác định hành vi và động cơ phạm tội. Bên cạnh đó, việc đánh giá, sử dụng chứng cứ thiếu khách quan, ví dụ như Cty B&B không có đăng ký đầu tư kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài dựa trên chứng cứ văn bản 342 của Tổng cục thuế - nhưng văn bản này chỉ có giá trị tham khảo; Cty B&B phải khai nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp dựa trên hợp đồng ủy thác đầu tư dựa trên văn bản 1085 – văn bản này không giá trị pháp luật, không được đánh giá là chứng cứ.
Bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải, luật sư Nguyễn Đình Hưng cho rằng hành vi kết luận ngày 22.3.2010 về việc thường trực HĐQT họp và ban hành chủ trương đề nghị xem xét về mặt pháp luật khi viện dẫn điều 90, 104, 106, luật sư cho rằng bản án không nên viện dẫn những điều luật này vì Luật Tổ chức tín dụng chỉ có hiệu lực vào ngày 1.1.2011.
Với luận điểm cho rằng khi có hiệu lực của luật mà vẫn thực hiện, luật sư Hưng cho rằng thực tế trong đời sống xã hội, thực tế của pháp luật Việt Nam thì vừa ban hành luật nhưng vẫn phải chờ đợi có những nghị đinh, quyết định, thông tư hướng dẫn thực hiện. "Quan điểm này rất nửa vời trong giai đoạn xét xử bởi năm 2011, ACB còn đi ủy thác tại 22 ngân hàng, có lãi nhưng không bị xử lý. Như vậy là phải xem xét kỹ hậu quả có mất không?" - luật sư Hưng nhấn mạnh.
Liên quan đến việc tham gia vào ra chủ trương mua cổ phiếu, đúng ra bị cáo Lý Xuân Hải có tham gia, xem xét từ “cấp hạn mức đầu tư” chứ không phải cấp vốn và không đề cập đến việc mua ACB; đồng thời cũng giao cụ thể cho Nguyễn Đức Kiên thực hiện chứ không phải Hải. "Đề nghị HĐXX xem xét toàn bộ quá trình thực hiện bị cáo Hải không có công cũng không có tội vì bị cáo không tham gia bởi Nghị quyết HĐQT không giao cho bị cáo; ACI, ACI HN cũng không có trách nhiệm báo cáo cho Hải" - luật sư viện dẫn.
Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét lại cách tính hậu quả 73 tỉ vì đó là quyền tự quyết của mỗi ngân hàng. Con số 614 tỉ bị quy kết là vô lý vì khi chấp nhận tất cả các giao dịch đó là hợp pháp nhưng lại xác nhận hậu quả là vi phạm, vậy thì người vi phạm phải là ACI, KLBank.
lao động
|